Trong khuôn khổ Diễn đàn Kết nối du lịch TP HCM - ĐBSCL năm 2019 diễn ra trong 2 ngày 4 và 5-9 tại TP HCM, Sở Du lịch TP cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP (ITPC) sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức "Hội nghị xúc tiến và mời gọi đầu tư hạ tầng văn hóa - thể thao - du lịch - giải trí vào TP và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL".
Du khách tham quan trải nghiệm du lịch nông nghiệp sạch ở Đồng Tháp Ảnh: TÂM MINH
Gần 180 dự án mời gọi
Nói về sự kiện này, Giám đốc Sở Du lịch TP Bùi Tá Hoàng Vũ chia sẻ một trong những nội dung của diễn đàn là các địa phương sẽ thông tin về nhu cầu đầu tư vào hạ tầng, văn hóa, thể thao của họ. Các nhà đầu tư gặp gỡ lãnh đạo địa phương để tìm hiểu kỹ về nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn. "TP HCM muốn khởi xướng chuyện liên kết này khi thấy có nhu cầu thật sự và muốn nâng tầm liên kết với các điểm đến ở ÐBSCL để TP không chỉ là trung tâm cung cấp nguồn khách mà còn trở thành điểm đến thu nhận lượng khách lớn từ khu vực này" - ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhìn nhận.
Tổng cộng có 179 dự án mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa - thể thao - du lịch - giải trí sẽ được giới thiệu, trong đó TP mời gọi đầu tư nhiều nhất với 51 dự án; kế đến là An Giang có 24 dự án; Bạc Liêu 20 dự án; Kiên Giang; Sóc Trăng; Đồng Tháp; Cần Thơ; Bến Tre; Tiền Giang…
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC, cho biết ở sự kiện mời gọi đầu tư, những doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước sẽ tìm hiểu tiềm năng của các dự án, về môi trường đầu tư thuận lợi, về các chính sách ưu đãi, cũng như sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo các địa phương đối với nhà đầu tư. Từ đó, họ có những chiến lược, kế hoạch trong hoạt động đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng văn hóa - thể thao - du lịch - giải trí của TP và vùng ĐBSCL.
Riêng TP HCM đang tích cực mời gọi đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng và tiềm năng như du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực, du lịch đường thủy, du lịch sinh thái nông nghiệp và đặc biệt là du lịch hội nghị (MICE); thu hút đầu tư cho hạ tầng văn hóa - thể thao - du lịch - giải trí...
Các tỉnh cụm Đông ĐBSCL gồm Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh kỳ vọng vào tầm nhìn chiến lược của DN và nhà đầu tư về tiềm năng sẵn có tại các địa phương để tiếp tục khai thác, phát huy bằng những dự án cụ thể. Ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ mong muốn tiếp nhận thông tin để hiểu rõ hơn những yêu cầu, nguyện vọng từ phía nhà đầu tư. Địa phương cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư thực hiện thành công dự án.
Trong khi đó, cụm Tây ĐBSCL với 7 địa phương gồm TP Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau luôn chào đón và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư đến tìm hiểu, hợp tác trên tinh thần đôi bên cùng có lợi. Bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, cho rằng nếu tiếp tục được quan tâm đầu tư đúng mức, du lịch các tỉnh, thành phố trong cụm Tây ĐBSCL sẽ tiếp tục “cất cánh vươn xa”.
Nỗ lực để du lịch hấp dẫn hơn
Trước thềm sự kiện này, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết tỉnh đang đẩy mạnh loại hình du lịch cộng đồng sinh thái nông nghiệp và gắn với nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương; điều tra, khảo sát hoạt động phát triển du lịch nông nghiệp tại các địa phương để khuyến nghị các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp phù hợp, chính sách hỗ trợ tương xứng; tổ chức cho các hộ đi tham quan thực tế mô hình phát triển nông nghiệp bền vững tại Quảng Nam và một số tỉnh trong nước để giúp người dân có thêm kiến thức làm du lịch; gắn chặt du lịch nông nghiệp với phát triển du lịch cộng đồng và khai thác các giá trị văn hóa bản địa, làng nghề truyền thống, quà lưu niệm, đặc sản địa phương... Ngoài ra, các DN, cộng đồng dân cư ở các địa phương trong tỉnh mạnh dạn phối hợp với nhiều công ty du lịch lữ hành xây dựng những chương trình du lịch khá hấp dẫn.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp Đồng Tháp sẽ khảo sát và hỗ trợ các điểm nhà vườn, nông trại, trang trại, khu sinh thái, khu công nghệ cao để chọn lựa mô hình có đủ điều kiện để phát triển thành các điểm du lịch trải nghiệm trên địa bàn. Ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho hay sẽ xây dựng một số mô hình điểm về nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với tham quan và du lịch trải nghiệm…
Còn theo bà Cao Xuân Thu Vân, dù có nhiều nỗ lực nhưng cần nhìn nhận du lịch các tỉnh, thành phố trong cụm phía Tây ĐBSCL chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế như kỳ vọng, thiếu các trung tâm và điểm đến du lịch có tính đặc trưng cao, đẳng cấp chất lượng quốc tế. Do đó, thời gian tới, các địa phương trong cụm sẽ tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến mời gọi đầu tư; cam kết xây dựng môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho DN; bảo đảm an ninh, an toàn cho các hoạt động du lịch. Đồng thời, sẽ vận dụng tối đa chính sách ưu đãi bằng các công cụ tài chính, đất đai, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, cải cách thủ tục hành chính… để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN, nhà đầu tư.
“Chúng tôi mời gọi DN đầu tư vào hạ tầng dịch vụ du lịch, đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, văn hóa, thể thao chất lượng cao, đẳng cấp khu vực và quốc tế nhằm góp phần hoàn thiện sản phẩm du lịch, đa dạng hóa dịch vụ du lịch của từng địa phương và liên vùng. Điều này sẽ góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách, bảo đảm khả năng liên kết phát triển với các DN kinh doanh dịch vụ du lịch” - bà Cao Xuân Thu Vân đề xuất.
Thiếu chiến lược phân vùng và liên kết du lịch
Theo lãnh đạo ngành du lịch một số địa phương của ĐBSCL, nguyên nhân của những hạn chế du lịch của vùng là các tỉnh, thành thiếu một chiến lược phân vùng và liên kết du lịch, nhất là liên kết với TP HCM - trung tâm kinh tế - xã hội, trung tâm điều tiết khách du lịch của cả nước; thiếu chiến lược liên kết phát triển hạ tầng du lịch gắn với cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút đầu tư nhằm tạo ra chuỗi giá trị dịch vụ du lịch đa dạng toàn vùng. Đặc biệt, các địa phương còn thiếu nguồn lực đầu tư vào hạ tầng giao thông, du lịch - đây được xem là nguyên nhân chính tạo "lực cản" trong phát triển du lịch của các địa phương.