Chỉ mới hết quý 1/2024, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút được hơn 62 ngàn tỷ đồng (đã gồm vốn bằng USD đổi ra con số tương đương) vốn đầu tư trong và ngoài nước, cao hơn cả năm 2023 và đạt 91% kế hoạch năm 2024, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH & ĐT) tỉnh.
Kết quả này cho thấy Bà Rịa - Vũng Tàu là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Việc trao các quyết định và chứng nhận tăng vốn diễn ra trong Hội nghị triển khai Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do UBND tỉnh tổ chức.
Trong số đó, các dự án vốn FDI gồm nhà máy sản xuất nhựa Polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) của "ông lớn" Hàn Quốc Hyosung tăng vốn 49 triệu USD.
Dự án nhà máy hóa chất của Tosoh Corporation Nhật Bản với tổng vốn 176 triệu USD với công suất thiết kế khoảng 100.000 tấn/năm, theo dữ liệu từ Tosoh.
Nhà máy Electronic Tripod Việt Nam thuộc "đại gia" sản xuất đồ điện tử, thiết bị máy móc, thiết bị y tế Tripod (Đài Loan, Trung Quốc) với tổng vốn 250 triệu USD.
Nhà máy thiết bị đầu cuối thông minh BOE Việt Nam (thuộc Tập đoàn BOE Bắc Kinh, Trung Quốc) được cấp phép với tổng vốn 277,5 triệu USD.
Bên cạnh đó, các dự án vốn trong nước bao gồm nhà máy dược phẩm Reiw tại KCN Châu Đức vốn 220 tỷ đồng; khu chung cư cao cấp Phước Hội - Sea Pearl Apartment vốn 410 tỷ đồng; khu dân cư Gia An 1- Gia An Lakeside vốn 635 tỷ đồng; nhà máy chế biến gỗ của tập đoàn Hòa Phát tổng vốn 679 tỷ đồng; nhà máy sản xuất kết cấu thép kỹ thuật cao HTSB vốn gần 840 tỷ đồng.
Ngoài ra còn có cơ sở lưu trú công nhân tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 tổng vốn 1.820 tỷ đồng; khu nhà ở sinh thái An Điền tại thị trấn Long Điền tổng vốn 4.269 tỷ đồng; nhà máy thép tấm lợp Nam Kinh Phú Mỹ tổng vốn 4.500 tỷ đồng; nhà máy sản xuất hạt nhựa Polypropylene Phú Mỹ tăng vốn 13.466 tỷ đồng.
Trong quý 1, gần 730 triệu USD là số vốn được Hyosung Hàn Quốc đầu tư cho dự án sợi sinh học tại KCN Phú Mỹ 2, thị xã Phú Mỹ. Đây là nhà máy đầu tiên tại châu Á và hiếm hoi trên thế giới sản xuất sợi sinh học (nguyên liệu làm sợi vải spandex) từ đường thô bằng công nghệ mới và hiện đại.
Do sử dụng công nghệ mới, trong quá trình triển khai, dự án này cần giải quyết nhiều thủ tục liên quan đến các vấn đề về hồ sơ công nghệ và lấy ý kiến của Bộ Công Thương về sự phù hợp với định hướng phát triển ngành công nghiệp hóa chất. Nhằm hỗ trợ Hyosung, tỉnh đã phối hợp chặt chẽ, cùng Hyosung thực hiện các thủ tục hành chính nhanh chóng, đúng quy định. Đến nay, các thủ tục đã hoàn tất và Hyosung đã được cấp quyết định và giấy chứng nhận đầu tư.
Như vậy, Hyosung đến nay đã dành ra tổng số vốn hơn 2,3 tỷ USD cho 3 dự án lớn tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo tập đoàn, chủ tịch Hyun-joon Cho của Hyosung là người đóng vai trò then chốt cho những quyết định liên quan đến kinh doanh tại Việt Nam, gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, từ khi Hyosung đặt chân vào thị trường Việt Nam năm 2007.
Trong toàn bộ quý 1, tỉnh đã cấp mới, tăng vốn đầu tư cho 13 dự án FDI hơn 1,56 tỷ USD (mục tiêu năm 2024 là 2 tỷ USD). Trong đó, có các dự án lớn đến từ các nhà đầu tư hàng đầu Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Các dự án của các nhà đầu tư trong nước gồm những dự án được nêu ở trên tại Hội nghị triển khai Quy hoạch và xúc tiến đầu tư vào Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo Sở KHĐT, tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước vào Bà Rịa - Vũng Tàu trong 3 tháng đầu năm đạt trên 25 ngàn tỷ đồng.
Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở KHĐT, cho biết tính đến nay toàn tỉnh có 1.156 dự án đầu tư của DN còn hiệu lực, trong đó 465 dự án vốn FDI với tổng vốn hơn 33 tỷ USD và 691 dự án trong nước với tổng vốn đạt 400 ngàn tỷ đồng. Kết quả này cho thấy, với mục tiêu và tầm nhìn dài hạn, việc tổ chức không gian phát triển phù hợp đã giúp Bà Rịa - Vũng Tàu nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Theo quy hoạch tỉnh, trong thời gian tới, tỉnh tập trung thu hút đầu tư phát triển 4 nhóm ngành kinh tế trụ cột: Công nghiệp; cảng biển - logistics; du lịch; dịch vụ chất lượng cao. Bà Rịa - Vũng Tàu kiên định với mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án xanh, sử dụng công nghệ hiện đại, có tính lan tỏa lớn, kiên quyết không chấp nhận các dự án sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên, gây hại đến môi trường.
Theo lãnh đạo tỉnh, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn nỗ lực đồng hành, có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.