Theo báo cáo từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến cuối tuần trước, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm 5 USD lên 585 USD/tấn, cao hơn gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan 3 USD và cao hơn gạo Pakistan 10 USD. Nguyên nhân là bởi các khách hàng như Philippines và Indonesia đều đang tiếp tục mua hàng trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Về tình hình xuất khẩu , trong tháng 4, nước ta đã xuất khẩu hơn 1,05 triệu tấn, tương đương trị giá hơn 654 triệu USD, tăng 0,8% về lượng nhưng tăng đến 20,1% về trị giá so với tháng 4/2023. Lũy kế 4 tháng đầu năm nước ta đã xuất khẩu 3,2 triệu tấn với trị giá vượt 2 tỷ USD, tăng 11,7% về lượng và tăng 36,5% về trị giá so với cùng kỳ.
Xét về thị trường, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 46,4% về tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu . Đứng thứ hai là Indonesia, chiếm trên 20% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Giá gạo xuất khẩu thế giới đang quay lại đà tăng và quay trở lại đường đua "ngôi vương".
Tương tự đà tăng của giá gạo , cà phê là mặt hàng chứng kiến giá xuất khẩu tăng cao trong thời gian gần đây. Xuất khẩu cà phê trong tháng 4 đạt sản lượng 148.000 tấn, kim ngạch 572 triệu USD; dù giảm đến 9,5% về sản lượng nhưng tăng tới hơn 42% về kim ngạch. Lũy kế tổng xuất khẩu 4 tháng đầu năm lên đến 726.000 tấn và kim ngạch 2,5 tỉ USD, lượng chỉ tăng 1% nhưng giá trị tăng đến 40%.
Hồ tiêu cũng là một trong những mặt hàng lên cơn sốt trong thời gian gần đây. Trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu đạt 83.783 tấn, với kim ngạch hơn 353 triệu USD, giảm 18,3% về lượng, nhưng tăng 11,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Giá tiêu xuất khẩu bình quân đạt 4.214 USD/tấn, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngành Nông nghiệp đề ra mục tiêu, năm 2024 xuất khẩu nông sản đạt khoảng 54-55 tỷ USD. Trong đó rau, quả, gạo , thủy sản, lâm sản là nhóm hàng chủ lực, kỳ vọng đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của toàn ngành.
Để tiếp tục duy trì tốt đà tăng trưởng trong xuất khẩu , Bộ NN&PTNT tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản , thủy sản, nhất là sang các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU; đồng thời, mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: Halal, Trung Đông, châu Phi...; phối hợp các bộ, ngành hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.