Điểm đến của dòng vốn tỷ USD
Thu hút sự quan tâm nhất phải kể đến Khu công nghiệp – dịch vụ – đô thị Becamex VSIP Bình Thuận tại La Gi và Hàm Tân. Đây là dự án đầu tư liên doanh giữa Tổng công ty Becamex IDC (Việt Nam) và các công ty thuộc tập đoàn Sembcorp Development (Singapore) có quy mô 4.984 ha, tổng vốn đầu tư lên đến 18.840 tỷ đồng. Trong đó khu công nghiệp (KCN) có quy mô hơn 3.000 ha, khu đô thị có quy mô gần 2.000 ha. Mục đích của dự án là hình thành và phát triển một vùng đô thị gắn kết hài hòa giữa công nghiệp và dịch vụ, đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung của huyện Hàm Tân và thị xã La Gi.
Becamex VSIP Bình Thuận được kỳ vọng sẽ thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước, giúp tỉnh đón thêm dòng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Hai địa phương La Gi và Hàm Tân cũng sẽ được hưởng lợi rất lớn từ dự án này. Đặc biệt là thị xã La Gi, với lộ trình trở thành "thành phố thứ 2" của Bình Thuận, cùng việc đón nhận nhiều dự án tỷ đô đầu tư trên địa bàn, đang trở thành trung tâm kinh tế lớn nhất ở khu vực phía Nam Bình Thuận – đúng theo định hướng của tỉnh đề ra.
Với mô hình KCN kiểu mẫu trên cả nước, sự xuất hiện của dự án Becamex VSIP Bình Thuận sẽ gia tăng thêm lợi thế cạnh tranh thu hút đầu tư của tỉnh
Bên cạnh Becamex VSIP Bình Thuận, năm 2022 Sonadezi cũng sẽ triển khai dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Tân Đức nằm tại thị xã La Gi và Hàm Tân. Theo quyết định, dự án có quy mô 300 ha, tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, do Công ty CP Sonadezi Bình Thuận làm nhà đầu tư.
Một "siêu dự án" khác cũng không thể không nhắc đến là chuỗi dự án điện khí LNG của Tập đoàn AES (Mỹ). Tổng kinh phí đầu tư cho các dự án này khoảng 1,31 tỷ USD, được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển nền kinh tế tại địa phương tại tỉnh Bình Thuận. Đây được xem như dự án FDI có quy mô lớn nhất lịch sử Bình Thuận, không chỉ góp phần phát triển kinh tế của tỉnh và còn có ý nghĩa quan trọng trong ngành năng lượng Việt Nam.
La Gi đón hàng loạt cơ hội để chuyển mình
Thị trường địa ốc La Gi sẽ bùng nổ mạnh mẽ nhờ những lợi thế kinh tế của khu vực và mặt bằng giá còn rất tiềm năng
TS Trần Nguyễn Minh Hải – Đại học Ngân hàng TP.HCM cho biết: Nhắc đến La Gi, giới đầu tư thường nói đến câu chuyện thị xã lên thành phố. Tuy nhiên, trên thực tế, làn sóng đầu tư của các ông lớn bất động sản công nghiệp mới là đòn bẩy mạnh nhất cho cả La Gi. Khi các dự án này hoàn thành, sẽ thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo ra hàng chục ngàn việc làm.
Đặc biệt, bất động sản công nghiệp phát triển ở khu vực phía Nam Bình Thuận càng khiến thị trường địa ốc La Gi phát triển mạnh chưa từng có. Trong đó, các phức hợp, khu dân cư, bất động sản ven biển phục vụ cho du lịch, nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, dịch vụ, trung tâm logistic, kho bãi phục vụ cho công nghiệp,… sẽ nở rộ để đáp ứng cho sự tăng trưởng kinh tế của La Gi.
Ngoài lực đẩy khổng lồ được tạo ra bởi các ông lớn bất động sản công nghiệp, La Gi còn được hưởng lợi khi hàng loạt các công trình hạ tầng trọng điểm được triển khai. Hiện tại, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết là công trình trọng điểm quan trọng nhất. Trong các khu vực của Bình Thuận có cao tốc đi qua, La Gi là địa phương hưởng lợi nhiều nhất nhờ sở hữu vị trí cửa ngõ, nơi đầu tiên cao tốc phải chạy qua trước khi tới Kê Gà, Mũi Né, Phan Thiết.
Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết tạo lực đẩy khổng lồ cho La Gi
Để kết nối đồng bộ và thông suốt hơn, Bình Thuận đã cho triển khai hai trục đường kết nối từ cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đến Hàm Tân rồi thẳng đến La Gi. Nhờ những công trình này, thời gian di chuyển TP.HCM – La Gi chỉ còn khoảng 1,5 giờ; từ sân bay Phan Thiết hoặc sân bay Long Thành đến La Gi còn 1 giờ.
Nằm trong định hướng chung của tỉnh, Tỉnh ủy Bình Thuận đã đồng ý đề xuất nâng cấp thị xã La Gi trở thành thành phố trực thuộc tỉnh và tiến hành nâng cấp, mở rộng các tuyến đường quan trọng. Lãnh đạo địa phương cũng khẳng định, La Gi là địa bàn quan trọng trong phát triển kinh tế phía Nam của tỉnh và kết nối với Bà Rịa – Vũng Tàu.