Cụ thể, ABBank vừa công bố biểu lãi suất huy động mới, áp dụng từ ngày hôm nay (6/3). Theo đó, lãi suất tiền gửi cho khách hàng cá nhân ở kỳ hạn 15-36 tháng giảm từ 7,9% xuống còn 7,7%/năm. Tương tự, lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng giảm 0,2 điểm phần trăm xuống còn 7,6%/năm.
Không những vậy, lãi suất kỳ hạn ngắn (1-3 tháng) từ mức trần 5%/năm cũng đồng loạt giảm 0,2% xuống còn 4,8%/năm.
Trước đó, ngày 4/3, Techcombank cũng công bố biểu lãi suất mới, giảm khoảng 0,1-0,2 điểm phần trăm so với trước đó. Chẳng hạn, ở kỳ hạn 12 tháng tại quầy, lãi suất giảm từ 6,3-6,9%/năm xuống còn 6,1-6,7%/năm (áp dụng cho khách hàng bình thường).
VPBank áp dụng mức lãi suất mới từ ngày 3/3, giảm khoảng đồng loạt 0,05-0,15 điểm phần trăm ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại VPBank hiện chỉ còn 6,9-7,1%/năm khi gửi tại quầy và 7-7,1% khi gửi online. Lãi suất cao nhất tại nhà băng này giảm xuống còn 7,55% thay vì 7,7%/năm như trước đó, áp dụng cho khoản tiền gửi từ 18 tháng trở lên và số tiền gửi trên 5 tỷ đồng.
Eximbank điều chỉnh lãi suất từ ngày 28/2, giảm khoảng 0,1-0,4 điểm phần trăm ở nhiều kỳ hạn. Chẳng hạn, tại kỳ hạn 36 tháng, lãi suất tiền gửi tại quầy từ mức 8,4% giảm xuống còn 8%/năm. Tại kỳ hạn 12 tháng, 15 tháng, lãi suất giảm 0,2 điểm phần trăm xuống lần lượt là 7,4%/năm và 7,8%/năm.
Trước đó, trong 2 tuần cuối tháng 2, hàng loạt ngân hàng khác cũng đã giảm lãi suất, có thể kể đến BacABank, NamABank, NCB,...
Việc lãi suất huy động giảm trong thời gian gần đây được cho chịu tác động bởi dịch Covid-19.
Theo báo cáo mới đây của BVSC, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng đều có xu hướng giảm nhẹ trong tháng 2/2019. Cụ thể, lãi suất trung bình của nhóm 4 NHTM gốc quốc doanh giảm 0,1%, về mức 6,63%/năm; nhóm NHTM có quy mô vốn trên 5.000 tỷ đồng giảm 0,06%, về mức 7,23%/năm; nhóm NHTM có quy mô vốn dưới 5.000 tỷ đồng giảm 0,03%, về mức 7,58%/năm.
Trong khi đó, theo báo cáo của NHNN, lãi suất huy động bằng VND tuần cuối tháng 2 ở mức 0,2-0,8%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-5,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,5%/năm.
Nhiều chuyên gia cho rằng, lãi suất huy động sẽ còn giảm trong thời gian tới, khi ngành ngân hàng phải vào cuộc để hỗ trợ nền kinh tế trước ảnh hưởng của Covid-19.
Mới đây, ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các ngân hàng hỗ trợ lãi suất cho vay cũng như khoanh nợ, giãn nợ đối với những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Một gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng của các ngân hàng sẽ được tung ra trong thời gian tới để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, BVSC cho rằng, dưới tác động của dịch Covid, nhu cầu vay vốn sẽ có sự sụt giảm, tín dụng 2 tháng đầu năm mới tăng 0,77% trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng 1,07%. Do đó, nhiều chuyên gia nhận định, lãi suất huy động có thể tiếp tục xu hướng giảm trong thời gian tới, tuy nhiên không thể giảm quá nhiều, đặc biệt là ở các ngân hàng nhỏ khó cạnh tranh trong thu hút nguồn vốn.