Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến phát triển điện mặt trời và trách nhiệm của Bộ Công thương, ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, Thực hiện chủ trương phát triển năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ ban hành một số quy định nhằm khuyến khích để phát triển năng lượng tái tạo trong đó có điện gió, điện mặt trời.
Đối với điện mặt trời, đã có Quyết định 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời. Cùng với Quyết định số 13, ngày 17/7/2020, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư số 18/2020/TT-BCT để hướng dẫn việc thực hiện triển khai các dự án điện mặt trời trên toàn quốc.
Sau khi có chính sách hướng dẫn thì các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển rất nhiều các dự án điện mặt trời. Cuối năm 2020 số lượng rất lớn điện mặt trời đã được đưa vào lưới điện, trong đó có 2 loại, một loại điện mặt trời trên mặt đất khoảng 9.000 MW và điện mặt trời trên mái nhà khoảng 8.000MW.
Chủ trương về phát triển mặt trời nhằm tăng cường khả năng phát triển năng lượng tái tạo góp phần làm giảm tác hại của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Hiện nay điện mặt trời đang tập trung tại một số địa phương có địa hình phù hợp, nhiều tiềm năng về cường độ ánh sáng như các tỉnh nam miền trung, tây nguyên, nam bộ.
Việc nguồn điện năng lượng mặt trời trên mặt đất và trên mái nhà tập trung và không phân tán nên gây ảnh hưởng đến việc vận hành hệ thống điện.
Về điện mặt trời trên mái nhà, hướng đến việc tự sản xuất tiêu thụ, tự phục vụ tại cùng một địa điểm sẽ mang lại hiệu quả lớn trong việc phát lưới điện không cần xây dựng đường dây chuyển tải. Ngày 09/2/2021 văn phòng Chính phủ đã ra thông báo số 185 của Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với UBND các tỉnh và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiểm tra, rà soát phát triển điện mặt trời.
Đồng thời, Bộ Công thương cũng thành lập đoàn kiểm tra các dự án phát triển về điện mặt trời vào ngày 15/3/2021 và thông báo tới UBND các tỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đã tiến hành kiểm tra 10 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM, Long An, Bình Phước, Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai. Hiện nay, Bộ Công Thương đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với EVN tiếp tục kiểm tra, rà soát các địa phương khác. Được biết, các tỉnh, thành phố đã tổ chức hoạt động kiểm tra. EVN cũng thành lập nhiều đoàn kiểm tra của Tập đoàn và các Tổng Công ty Điện lực để rà soát, đánh giá việc thực hiện phát triển điện mặt trời.
"Theo Quyết định 13, Bộ Công Thương có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn để triển khai, thực hiện các dự án cũng như kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh khắc phục những sai phạm", ông Hùng cho biết.
Tuy nhiên, ông Hùng khẳng định, do thời gian thực hiện rất ngắn, từ 17/7 đến 31/12/2020 nên Bộ Công Thương chưa có điều kiện để kiểm tra đồng bộ, chấn chỉnh kịp thời, cũng như chưa sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm cho việc xây dựng chính sách, để đảm bảo cho đúng quy hoạch nhằm có thể quản lý, kiểm soát các dự án.
Liên quan đến việc gây quá tải lưới điện một phần còn nằm ở tính mở của Quy hoạch điện VII (tức là quy hoạch đã không kiểm soát đầu ra theo kế hoạch), ông Hùng cho biết: Vấn đề này đã báo cáo rất nhiều lần. Quy hoạch phát triển điện VII có nhiều dự án chậm tiến độ.
"Nếu như không xảy ra dịch Covid-19 thì chắc chắn trong giai đoạn 2020 trở đi chúng ta thiếu điện trầm trọng", ông Hùng cho hay.
Chính vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ đáp ứng cung cấp điện cho sản xuất, sinh hoạt, bảo đảm an ninh quốc phòng cho đất nước, Bộ Công Thương đã tham mưu trình Thủ tướng bổ sung một số quy hoạch phát triển điện mặt trời cũng như đã phê duyệt, đưa vào bổ sung quy hoạch điện lực tỉnh và bổ sung quy hoạch đối với phát triển điện lực quốc gia một số dự án năng lượng tái tạo nhằm nhanh chóng đảm bảo việc cung cấp điện khi một số nguồn điện đang bị chậm tiến độ.
Thông tin thêm với báo chí về vấn đề trên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong quá trình thực hiện các quy hoạch, phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo thời gian vừa qua còn có những tồn tại, bất cập, vì vậy nhiều cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành kiểm tra, ban hành kết luận về vấn đề này. Bộ Công Thương, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện năng và đặc biệt là năng lượng tái tạo, đã và đang thực hiện nghiêm túc thẩm quyền, trách nhiệm theo đúng quy định hiện hành và các kết luận nói trên.