Bộ Giao thông vận tải vừa có tờ trình Chính phủ về việc phê duyệt đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không.
Ảnh minh họa.
Trong đó, Bộ Giao thông vận tải đề xuất phân loại hệ thống cảng hàng không thành 5 nhóm, làm cơ sở định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không.
Nhóm 1 gồm Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Long Thành, Tân Sơn Nhất. Bộ Giao thông cho rằng đây là những cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, đóng vai trò gom hành khách, hàng hóa để kết nối với mạng đường bay nội địa và quốc tế; là các cảng hàng không quốc tế lớn có công suất quy hoạch đến năm 2030 lớn hơn 25 triệu hành khách/năm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
Với nhóm này, Bộ Giao thông vận tải bố trí vốn đầu tư khu bay (cụm 2); ACV bố trí vốn đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu còn lại (cụm 3); huy động 100% nguồn vốn xã hội để đầu tư các công trình dịch vụ hàng không và phi hàng không (cụm 4) theo hình thức đầu tư kinh doanh.
Trường hợp Bộ Giao thông vận tải và ACV không cân đối được nguồn vốn đầu tư, huy động nguồn xã hội đầu tư từng công trình theo hình thức PPP.
Nhóm 2 gồm Thọ Xuân, Chu Lai, Phù Cát, Tuy Hòa. Đây là những cảng hàng không có hoạt động quân sự, huấn luyện quân sự thường xuyên, tài sản và đất đai khu bay do Bộ Quốc phòng quản lý.
Tại văn bản số 3918/2021 tham gia ý kiến đối với đề án, Bộ Quốc phòng đề xuất giao tăng tài sản khu bay cho ACV quản lý, khai thác trừ các tài sản hiện đang do Bộ Quốc phòng quản lý (đường cất hạ cánh, đường lăn và một số công trình thuộc khu bay).
Đối với nhóm này, Bộ Giao thông đề xuất Bộ Quốc phòng quản lý khu bay (cụm 2) nhưng đề xuất xây dựng cơ chế cho phép Bộ Giao thông vận tải, doanh nghiệp hàng không được đầu tư cải tạo, nâng cấp khu bay.
Trường hợp Bộ Quốc phòng bàn giao khu bay cho Bộ Giao thông vận tải hoặc địa phương quản lý, đề xuất huy động nguồn vốn xã hội đầu tư toàn bộ cảng hàng không theo hình thức PPP, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng hiện có để tham gia dự án; đặc biệt là cảng hàng không Chu Lai hiện nay có nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Nhóm 3 gồm Điện Biên, Nà Sản, Đồng Hới, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Rạch Giá, Cà Mau, Phú Quốc và Côn Đảo. Theo Bộ Giao thông vận tải, đây là những sân bay ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, cân đối thu chi khó khăn, có công suất quy hoạch đến năm 2030 nhỏ hơn 5 triệu hành khách/năm (trừ sân bay Phú Quốc).
Bộ Giao thông vận tải đề xuất chuyển giao khu bay (cụm 2) và ACV chuyển giao các công trình hạ tầng thiết yếu còn lại (cụm 3) cho địa phương để chủ động huy động nguồn lực đầu tư phát triển. Trường hợp địa phương không tiếp nhận, Bộ Giao thông vận tải và ACV tiếp tục thực hiện quản lý, khai thác và đầu tư như nhóm 1.
Nhóm 4 gồm Cát Bi, Vinh, Phú Bài, Liên Khương và Cần Thơ. Đây là các cảng hàng không có công suất quy hoạch đến năm 2030 lớn hơn 5 triệu hành khách/năm, có tiềm năng phát triển, có khả năng thu hút các nhà đầu tư và không có hoạt động quân sự thường xuyên.
Bộ Giao thông vận tải đề xuất chuyển giao khu bay (cụm 2) và ACV chuyển giao các công trình hạ tầng thiết yếu còn lại (cụm 3) cho địa phương để chủ động huy động nguồn lực đầu tư phát triển toàn bộ cảng hàng không theo hình thức PPP sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng hiện có để tham gia dự án.
Nhóm 5 là những cảng hàng không mới, gồm Sa Pa, Quảng Trị, Lai Châu và các cảng hàng không tiềm năng như Cao Bằng, Hải Phòng (Tiên Lãng), cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô.
Bộ Giao thông vận tải đề xuất huy động nguồn vốn xã hội đầu tư toàn bộ cảng hàng không theo hình thức PPP. Bộ cũng đề xuất giao UBND các tỉnh có quy hoạch cảng hàng không mới là cơ quan có thẩm quyền đầu tư theo hình thức PPP, chủ động huy động, cân đối nguồn lực và tổ chức thực hiện đầu tư.
Trong đó, cụm 1 là các công trình, hạ tầng hoạt động bay thuộc công trình thiết yếu như đài kiểm soát không lưu. Cụm 2 là các công trình đường cất hạ cánh, đường lăn. Cụm 3 là các công trình hạ tầng như sân đỗ, nhà ga hành khách, công trình hạ tầng kỹ thuật. Cụm 4 là các công trình dịch vụ hàng không như nhà ga hàng hóa.
Nguyên tắc huy động nguồn vốn xã hội đầu tư hạ tầng kết cấu cảng hàng không được đề xuất đảm bảo doanh nghiệp 100% vốn nhà nước giữ quyền hoạt động bay. Hình thức đầu tư đa dạng nhưng vẫn đảm bảo đồng bộ trong khai thác và quyền định đoạt của Nhà nước đối với tài sản kết cấu hạ tầng cảng hàng không.
Việc huy động nguồn vốn xã hội bảo đảm công khai, minh bạch, gắn trách nhiệm đầu tư với trách nhiệm quản lý, khai thác; tuân thủ các nguyên tắc về giá, phí hàng không của Chính phủ và ICAO.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, ngành hàng không 10 năm trở lại tăng trưởng khoảng 18%.Thị trường hàng không Việt Nam phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất Đông Nam Á.
Việc tăng trưởng vận tải hàng không với tốc độ cao thời gian qua đã và đang tạo áp lực lớn lên kết cấu hạ tầng cảng hàng không. Nhiều địa phương gần đây đề nghị Bộ Giao thông vận tải, ACV ưu tiên dành nguồn vốn đầu tư phát triển cảng hàng không, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.
Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước Trung ương bố trí cho lĩnh vực giao thông chỉ đáp ứng khoảng 65,8% nhu cầu (304.000/462.000 tỷ đồng) và nguồn vốn của ACV không thể đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không, do phải tập trung nguồn lực cho các công trình trọng điểm quốc gia.
Thực tế này đòi hỏi phải có giải pháp định hướng huy động nguồn vốn để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.