Theo tờ Nikkei, hai tháng sau khi Uber Đông Nam Á bị Grab thâu tóm, tại thị trường Việt Nam đang chứng kiến sự nở rộ của các nền tảng chia sẻ ôtô, cả từ nước ngoài lẫn nội địa, gồm cả các hãng taxi muốn giành thị phần trong lĩnh vực đang phát triển mạnh này.
Theo Nikkei, Việt Nam được đánh giá là thị trường gọi xe tăng trưởng nhanh nhất tại Đông Nam Á. Các startup nội cũng như trong khu vực Đông Nam Á cũng đang đua nhau ra mắt thị trường.
Ứng dụng gọi xe Go-Jek của Indonesia mới đây cũng chính thức triển khai hoạt động tại Việt Nam. Trong khi đó, Fastgo - ứng dụng gọi xe của Mpos Vietnam Technology - công ty con của tập đoàn công nghệ Nexttech, cũng đã ra mắt tại Hà Nội và đặt mục tiêu có 5 triệu người dùng, 20.000 lái xe vào năm 2020 và có mặt tại 8 thành phố lớn.
VATO - ứng dụng được phát triển bởi công ty vận tải Phương Trang, cũng dự kiến ra mắt vào cuối tháng 6.
Đầu tháng 6, ứng dụng Aber ra mắt tại Tp.HCM - thị trường chia sẻ ôtô lớn nhất tại Việt Nam. Đây là ứng dụng được phát triển bởi một nhóm kỹ sư trẻ Việt Nam đang học tại Đức và dự kiến sẽ ra mắt tại Hà Nội vào cuối tháng này. Aber cam kết không tăng phí trong giờ cao điểm - chính sách của Grab và Uber trước đó bị nhiều người dùng chỉ trích.
Aber là nền tảng sử dụng công nghệ của Đức với bản đồ riêng, không phụ thuộc vào Google, dự kiến mở rộng sang các thị trường láng giềng vào năm 2020.
Ngoài ra, nhiều startup khác như Didi Chuxing của Trung Quốc, MVL của Singapore cũng tuyên bố sẽ tấn công thịt rường Việt Nam trong nửa cuối năm nay.
Trong một báo cáo mới đây của Google, thị trường gọi xe tại Đông Nam Á đã tăng trưởng gấp 4 lần kể từ năm 2015, và được dự báo sẽ đạt giá trị 20 tỷ USD vào năm 2025. Tại đây, Grab đang chiếm thị phần lớn nhất, hiện có mặt ở hơn 200 thành phố sau khi thâu tóm hoạt động của Uber.