Mới đây, hàng loạt website của các sàn giao dịch quyền chọn nhị phân (BO) thuộc hệ sinh thái của sàn giao dịch Wefinex như: https://wefinex.net, http://deniex.com/, http://aresbo.com/, http://remitex.net/,... đã bị chặn và không thể đăng nhập.
Website Wefinex của sàn giao dịch BO cùng hàng loạt website trong hệ sinh thái của sàn này đã bị chặn không thể truy cập (ảnh: Diễm Ngọc)
Vòng tuần hoàn “lừa đảo”
Theo chia sẻ trên các hội nhóm cảnh báo chiêu trò lừa đảo từ mô hình Ponzi, đa cấp, BO, một cá nhân tên L.N.T cho biết, lợi dụng tình hình dịch bệnh bùng phát, nên nhiều sàn BO mọc ra như nấm và thu hút không ít người tham gia, nhưng tất cả chỉ là chiêu trò “hút máu” của một đội nhóm điều hành hệ thống các sàn BO. Nổi bật nhất là sàn giao dịch Wefinex, nay tách ra thành 4 tên miền bao gồm Binanex, Pocinex, Deniex, Remitex và các sàn khác do nhiều người quản lý như Aresbo, Rosichi, Raidenbo, Exbase, Bodefi,...
Tuy khác tên miền nhưng đều chung hệ thống với sàn mẹ là Wefinex, nên giao diện và cách thức triển khai tương tự nhau, mục đích để phát triển nhiều cộng đồng, dễ hút tiền nhà đầu tư hơn. Sau khi lập ra Wefinex, người đứng đầu đã huấn luyện cho đội nhóm các chiêu trò marketing để đào tạo lại cho các Leaders (người đầu tuyến quản lý) và tuyến dưới bắt đầu với quy trình như sau:
Đầu tiên, các Leaders sẽ khởi tạo hoặc mua các hội nhóm cộng đồng lớn để có dữ liệu khách hàng, sau đó tổ chức livestream và dùng hình ảnh tiền bạc, nhà, xe để đánh vào tâm lý những người tham lam, dụ họ tham gia vào hệ thống, rồi lọc ra những người muốn phát triển hệ thống để tiếp tục đào tạo. Các quản lý sàn liên tục chiêu mộ những hotgirl, người mẫu chụp ảnh cùng tiền, nhà, siêu xe, nhằm làm hình ảnh quảng cáo cho sàn.
Tiếp theo, quy trình kiếm khách của các Leaders và “chuyên gia đọc lệnh” là vào hội nhóm cộng đồng BO, cộng đồng kiếm tiền online rồi tung ra các chiêu trò dụ dỗ như: “Vốn 500-1000$ kiếm đội nhóm”, “Mới đi du học về có ít vốn cần đội nhóm”, “Em đang âm quá, có ai giúp em không”,... Khi đã câu kéo được một lượng tương tác và theo dõi nhất định trên mạng xã hội, các Leaders và chuyên gia tự phong này sẽ chuyển sang quy trình xây dựng hình ảnh cá nhân, với tiêu chí chốt khách trên vị thế.
Không ít nhà đầu tư vì tham lam lợi nhuận, bỏ ra nhiều tỷ đồng vào các sàn BO đã phải ngậm trái đắng, khi bị mất hết tài sản mà không biết kêu ai (ảnh: Internet)
Để xây dựng hình ảnh cá nhân, những đối tượng này sẽ chụp ảnh đẹp, đăng nhiều bài viết tự PR bản thân, sau đó sẽ được sàn cấp một tài khoản chỉ nạp tiền vào mà không rút ra được và dùng tài khoản đó giao dịch, cũng như livestream cho mọi người xem. Vì là tài khoản marketing, nên các Leaders thường giao dịch những lệnh có giá trị lớn từ vài trăm tới cả nghìn USD để làm hình ảnh dụ dỗ mọi người. Thực chất, đây chỉ là những con số ảo, tài khoản marketing hết tiền lại được bơm tiếp nên tâm lý thoải mái để khoe bảng lệnh.
Cuối cùng, khi đã kéo khách xong, các đối tượng bắt đầu xây sang hình ảnh một Leader chuyên nghiệp, chuyên xây dựng hệ thống lớn mạnh. Cách làm là dùng app để chỉnh sửa hoa hồng hàng ngày, sau đó nói với những người bị cháy tài khoản chuyển qua làm hệ thống, hưởng hoa hồng nhiều hơn. Rất nhiều người nhẹ dạ cả tin đã kích hoạt thành viên lên VIP, rồi tiếp tục con đường lôi kéo những người khác xây hệ thống, với mộng ước ngồi ăn hoa hồng là đủ chứ không cần giao dịch, tránh rủi ro. Vòng tuần hoàn cứ như vậy tiếp diễn.
Thông qua chia sẻ trên, mọi người đã hiểu được phần nào lộ trình mà các sàn giao dịch BO dựng lên để thu hút người tham gia. Có không ít nhà đầu tư vì tham lam lợi nhuận, bỏ ra nhiều tỷ đồng đã phải ngậm trái đắng, khi bị mất hết tài sản mà không biết kêu ai.
Tiếp tục ngăn chặn xử lý
Trước đó, như Diễn đàn Doanh nghiệp thông tin, các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo về sự xuất hiện hàng loạt của các sàn giao dịch BO trên không gian mạng, có dấu hiệu tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người tham gia.
Thiếu tá Triệu Mạnh Tùng, Trưởng phòng 6, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an (ảnh: Công an Nhân dân)
Trao đổi về vấn đề này, Thiếu tá Triệu Mạnh Tùng, Trưởng phòng 6, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, tình hình hoạt động của các san giao dịch BO trong thời gian qua rất phức tạp, xuất hiện ở các địa phương, lợi dụng sự thiếu hiểu hiểu biết của người dân trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đa số những sàn giao dịch dạng này đều vi phạm pháp luật và hầu hết người đầu tư đều bị các đối tượng tác động vào hệ thống để chiếm đoạt tài sản. Các phương thức phổ biến như:
Thứ nhất, giới thiệu là sàn được cấp phép bởi các quốc gia lớn như Mỹ, Anh, Úc,... nhưng hầu hết là do các đối tượng trong nước thực hiện, các giấy phép đăng trên website đều được mua giá rẻ ở các quốc gia được coi là thiên đường thuế, hoặc tự photoshop làm giả.
Thứ hai, lợi dụng dịch bệnh, các đối tượng đưa ra mức lợi nhuận lớn, cam kết lợi nhuận hàng chục phần trăm một năm, đồng thời xây dựng theo phương thức đa cấp và trả hoa hồng lớn.
Thứ ba, sử dụng công cụ truyền thông làm chim mồi, đưa ra các cá nhân điển hình có thành công lớn, cuộc sống giàu sang, có nhiều tài sản có giá trị để thu hút sự chú ý của mọi người. Sau khi hút được số lượng tiền đủ lớn, các đối tượng sẽ can thiệp vào hệ thống cơ sở dữ liệu để tạo ra tỷ lệ thắng thua theo ý muốn và cuối cùng là chiếm đoạt tài sản.
Câu hỏi đặt ra là vì sao trên địa bàn toàn quốc lại có nhiều người tham gia như vậy trong khi truyền thông đã liên tục cảnh báo và có nhiều vụ án đã được triệt phá? Theo Thiếu tá Triệu Mạnh Tùng, hiện nay, do tình hình dịch bệnh, các kênh đầu tư phát sinh lợi nhuận bị hạn chế, vì thế các đối tượng lợi dụng việc lợi nhuận cao đánh vào tâm lý nhà đầu tư. Đồng thời, áp dụng mô hình đa cấp thì sẽ rất dễ lan truyền, mọi người có thể mời gọi người thân, bạn bè cùng tham gia. Ngoài ra, việc thiếu hiểu biết khi cập nhật thông tin, dù nhiều lần các cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng nhiều người không nghĩ sẽ rơi vào trường hợp của mình.
“Vừa qua, chúng tôi đã có báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, để tiếp tục phối hợp với công an địa phương xác minh, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật theo quy định. Đặc biệt là pháp luật hình sự, với các trường hợp lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.
Với các sàn giao dịch khác, căn cứ vào quy định pháp luật có liên quan, Luật An ninh mạng và các Nghị định của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng, chúng tôi sẽ có biện pháp của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh mạng nhằm thực hiện ngăn chặn với các sàn giao dịch có dấu hiệu vi phạm”, Thiếu tá Triệu Mạnh Tùng nhấn mạnh.
Mặt khác, để hạn chế tối đa các vụ lừa đảo, vị Thiếu tá cũng đưa ra một số kiến nghị như sau:
Một là, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý với các loại hình kinh doanh mới, đặc biệt với sự phát triển của Fintech như hiện nay. Trong đó có các quy định về pháp lệnh ngoại hối cần sửa đổi, cũng như hoạt động về chứng khoán quốc tế.
Hai là, các hoạt động kinh doanh tiền ảo và tài sản ảo đến nay vẫn chưa có hành lang pháp lý cụ thể và cần thiết phải sớm có quy định trong lĩnh vực này.
Ba là, tiếp tục đấu tranh xử lý các trường hợp điển hình, mang tính răn đe và ngăn chặn trên diện rộng, để các đối tượng không có cơ hội tổ chức, thực hiện hành vi lừa đảo.
Bốn là, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, tuyên truyền phổ biến kiến thức cho người dân, tránh tham gia vào những hoạt động vi phạm pháp luật như đã nêu.