Nhờ vậy, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt tăng trưởng khá so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, đến tháng 4, dịch Covid-19 lan rộng ra nhiều nước, trong đó có các thị trường lớn của ngành gỗ Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, EU..., vì vậy các đối tác đều thông báo hủy, giảm, hoãn vô thời hạn những đơn hàng đã ký.
Theo thông tin từ một số DN, ước tính có khoảng 80% đơn hàng đã ký bị thông báo hủy hoặc chậm giao. Hàng ngàn container hàng bị tồn ở cảng biển châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc. Khảo sát nhanh tại hơn 200 DN cho thấy có đến 80% khách dừng hoặc hủy đơn hàng. "Điều đó dẫn đến hầu hết các DN thu hẹp quy mô sản xuất, chỉ có 7% DN hoạt động bình thường, 86% DN bị ngừng sản xuất một phần, 7% ngừng hoạt động toàn bộ" - ông Trị thông tin.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý doanh nghiệp gỗ nên chú trọng phát triển thị trường trong nước để giảm rủi ro cho xuất khẩu Ảnh: NGUYỄN HẢI
Các báo cáo cũng cho thấy khoảng 50% lao động phải nghỉ việc tại nhiều DN lớn. Ở những DN vừa và nhỏ, lao động phải nghỉ việc toàn bộ do DN ngừng sản xuất. Theo đó, có khoảng 200.000 lao động ngành gỗ bị ảnh hưởng do dịch bệnh phải nghỉ việc luân phiên hoặc mất việc làm trong tháng 3, tháng 4.
Trước tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định ngành gỗ vẫn có lợi thế để phát triển, DN cần xây dựng chiến lược trong việc mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm phụ thuộc vào một hoặc một số thị trường chính để tránh rủi ro trong bối cảnh thế giới ngày nay thường xuyên xảy ra các cuộc xung đột và cạnh tranh thương mại; đồng thời chú trọng xây dựng chiến lược phát triển tại thị trường trong nước.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cũng tin rằng ngành chế biến, xuất khẩu gỗ vẫn có cơ hội để tăng trưởng 2 con số vì thị trường đồ gỗ, đặc biệt là những sản phẩm cốt lõi có doanh số nhiều tỉ USD đang có sự chuyển dịch về Việt Nam.