Hơn 30 năm gắn bó với cây mía nhưng chưa năm nào ông Nguyễn Văn Long ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang lại lo lắng như năm nay. Bởi hiện tại, ông Long còn gần 100 tấn mía giống ROC16 vẫn chưa thể bán được do phải đợi nhà máy đường phát lệnh thu hoạch, trong khi mía đã đã gần 11 tháng tuổi bị ngập xem xép mặt liếp gần nửa tháng nay và đang có dấu hiệu xuống lá. Chuyện thua lỗ là chắc chắn nhưng ông Long mong sớm bán được mía để gỡ gạt lại tiền phân bón.
“Mấy năm trước lượng mía bán nhanh lắm, chỉ năm nay là bán trễ. Mọi năm đến giữa tháng 8 là bán hết rồi”, ông Long nói.
Tiến độ thu mua mía diễn ra rất chậm do thiếu nhân công.
Xã Hòa Mỹ là địa phương có diện tích mía ít nhất của huyện Phụng Hiệp với hơn 160ha. Nếu mọi năm đến giữa tháng 9 âm lịch, nông dân trong xã đã thu hoạch dứt điểm toàn bộ diện tích mía, thì năm nay đến thời điểm này địa phương chỉ mới thu hoạch được 2/3 diện tích. Giá thu mua thấp, thiếu nhân công thu hoạch đã gây nhiều khó khăn cho người trồng mía Phụng Hiệp trong vụ mía này.
Ông Nguyễn Văn Đằng, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp cho biết: "Khâu đốn mía của nông dân năm nay khó khăn về nhiều mặt. Khó khăn nhất là thiếu nhân công đốn mía. Về giá cả thì 210.000 đồng/tấn mía đứng, còn mía bị đổ, giá chỉ từ 220.000- 230.000 đồng/tấn".
Không riêng gì ông Long hay ông Đằng mà hàng trăm nông hộ trồng mía ở Phụng Hiệp hiện nay cũng đứng ngồi không yên. Theo thống kê, năm nay toàn huyện có hơn 6.400 ha mía nhưng đến nay chỉ mới thu hoạch được hơn 1.400ha, trong đó bán mía chục khoảng 1.300 ha, còn nhà máy chỉ mới thu mua được hơn 150ha. So với năm ngoái, tiến độ thu mua chậm hơn khoảng 2.000 ha. Đáng lo ngại là trong 5.000ha mía chưa thu hoạch, thì có hơn 2.000 ha mía giống ROC16 đã quá lứa bị ngập nước.
Nhiều diện tích mía quá lứa bị ngập nhưng vẫn chưa được thu hoạch.
Ông Trần Văn Tuấn- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp cho biết: "2.000 ha mía hiện nay đang chờ thu hoạch, trong vòng nửa tháng nữa nếu nhà máy không thu mua kịp thì mía sẽ chết, bởi mới đây có một con nước lớn ngập. Hàng năm, theo chu kỳ của cây mía, khi nước lên ngập mía khoảng 2-3 tấc, khi nước rút rồi mía sẽ chuyển dần sang héo lá rồi chết đi. Đến thời điểm hiện nay, mía đã đổi màu rồi nhưng số lượng mua đem về nhà máy thì rất ít. Người dân đang trông chờ ở số lượng thu mua của nhà máy đường Phụng Hiệp".
Với giá thu mua mía thấp , người nông dân trồng mía ở Phụng Hiệp đã thất thu hàng chục tỉ đồng. Nếu mía thu hoạch không kịp dẫn đến việc chết khô trên đồng thì thiệt hại của người trồng mía là chuyện khó mà đong đếm được.