Dự án tái định cư (TĐC) Khe Mừ, tại xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, được phê duyệt với kinh phí 83 tỉ đồng, triển khai xây dựng vào năm 2011, dự kiến 1 năm sau sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng để đưa hơn 100 hộ dân sống lênh đênh trên sông Lam lên định cư.
Đầu tư 67 tỉ đồng rồi bỏ hoang
Tuy nhiên, gần 10 năm trôi qua, hiện khu vực triển khai dự án khá quy mô này không một bóng người, cỏ dại mọc um tùm. Các hạng mục như nhà văn hóa, nhà trẻ, hệ thống cột điện do bị bỏ hoang nhiều năm nên hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
Theo chủ đầu tư dự án là Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, nguồn vốn trung ương hỗ trợ 67 tỉ đồng đầu tư cho khu TĐC này đã chi hết. Số kinh phí còn lại của tỉnh chưa có nên dự án "đắp chiếu" nhiều năm qua.
Trong 10 năm dự án TĐC Khe Mừ bỏ hoang thì cũng ngần đó thời gian các hộ dân vạn chài sống ven bờ sông Lam bấp bênh trên sóng nước trong những con thuyền cũ nát. Ước mơ được lên bờ định cư với họ ngày càng xa vời. "Nhà nước hứa với chúng tôi cả chục năm nay rồi là sẽ bố trí đất ở khu TĐC nhưng đến nay không thấy thực hiện. Chắc cả đời phải sống trên sông nước rồi" - ông Lê Văn Quang, một hộ dân vạn chài trên sông Lam, ngậm ngùi.
Làm việc với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, cho biết dự án chậm triển khai nhiều năm khiến việc bố trí nơi ở cho người dân không thực hiện được. Huyện đã nhiều lần có văn bản đề nghị tỉnh sớm hoàn thiện dự án nhưng không có kết quả.
Do bị bỏ hoang nhiều năm nên nhiều hạng mục dự án của khu TĐC Khe Mừ xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng
Hơn 8.400 hộ dân sống trong nguy hiểm
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại tỉnh Nghệ An, ngoài dự án TĐC Khe Mừ, nhiều dự án TĐC khẩn cấp khác để di dân vùng bị thiên tai với tổng kinh phí hàng trăm tỉ đồng cũng chậm triển khai hoặc triển khai dang dở.
Điển hình là dự án "Di dân khẩn cấp vùng thiên tai sạt lở đất xã Châu Tiến và xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp" với tổng mức đầu tư ban đầu gần 37 tỉ đồng, mục tiêu bố trí TĐC cho 31 hộ dân ở bản Quắn, xã Liên Hợp và 42 hộ dân ở Bản Pật, xã Châu Tiến. Dự án này triển khai ì ạch, kéo dài hàng chục năm khiến đời sống của người dân thuộc diện di dời TĐC gặp nhiều khó khăn.
Tại xã Hưng Hòa, TP Vinh, dự án di dời gần 60 hộ dân xóm Hòa Lam ra khỏi vùng ngập lũ nằm ngoài đê sông Lam, kinh phí hơn 36 tỉ đồng, được phê duyệt từ năm 2013, sau nhiều lần hứa hẹn đến nay vẫn chưa hoàn thành. Hệ quả là người dân vẫn phải bất chấp nguy hiểm sống bám trụ ven sông Lam suốt năm này qua năm khác.
Ông Lê Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa, TP Vinh, lo ngại: "Mấy chục hộ dân sống ngoài đê rất nguy hiểm, mỗi lần có mưa lũ, người dân, chính quyền lại đứng ngồi không yên. Giờ chỉ mong dự án sớm hoàn thành để sớm bố trí TĐC cho dân".
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, ngoài 3 dự án trên thì tại Nghệ An hiện có 10 dự án TĐC khẩn cấp khác để di dân vùng bị thiên tai với tổng kinh phí gần 600 tỉ đồng chậm triển khai, triển khai dang dở. Trong khi các dự án trên chậm triển khai thì có 8.415 hộ dân ở Nghệ An đang đối diện nguy hiểm khi phải sống trong vùng có nguy cơ sạt lở đất, ngập lũ.