Tổng cục Du lịch vừa có Công văn 182 gửi các sở Du lịch, VH-TT&DL… đề nghị chưa kiểm tra điều kiện người phụ trách kinh doanh lữ hành cho tới hết quý II-2019. Nguyên nhân do phải chờ sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 06/2017 của Bộ VH-TT&DL liên quan đến vấn đề này.
Trước thông tin trên, lãnh đạo các công ty du lịch lại một lần nữa... rối bời.
Khổ vì chính sách chập chờn
Theo Luật Du lịch 2017, kể từ ngày 1-1-2019 nếu muốn tiếp tục hoạt động kinh doanh, tất cả lãnh đạo phụ trách kinh doanh lữ hành của các công ty du lịch phải có bằng cấp chuyên môn về du lịch.
Để cụ thể hóa quy định này, Bộ VH-TT&DL ban hành Thông tư 06/2017 quy định: Từ đầu năm 2019, người phụ trách kinh doanh các công ty lữ hành nội địa, quốc tế như chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, giám đốc… phải có bằng cấp CĐ chuyên ngành lữ hành. Điều này cũng đồng nghĩa hàng ngàn giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT… các công ty du lịch phải cắp sách đi học lại để bổ sung bằng cấp.
Tuy nhiên, quy định trên khi triển khai vào thực tế đã bị phản ứng mạnh từ các công ty du lịch và chuyên gia vì quá vô lý. Ví dụ, thông tư đã phủ định văn bằng của những người đã tốt nghiệp trước năm 2017, kể cả những bằng cấp về du lịch. Mặt khác, thông tư ban hành giữa năm 2017 thì ít nhất phải đến năm 2019 hệ CĐ và đến năm 2021 hệ ĐH mới có thể ghi đúng ngành theo yêu cầu tại Thông tư 06 của Bộ VH-TT&DL.
Hiểu một cách nôm na Thông tư 06 gần như xóa sổ tất cả mã ngành du lịch được Bộ GD&ĐT thừa nhận và các trường ĐH đào tạo hàng chục năm trước đây. “Qua thực tế cho thấy Thông tư 06 chẳng khác nào buộc các công ty phải chờ sinh viên tốt nghiệp năm 2019, 2020… ra trường để làm lãnh đạo, còn lãnh đạo các công ty hiện nay phải nghỉ việc” - chuyên gia du lịch Trần Trung nói.
Sau khi bị các công ty, chuyên gia phản ứng, đại diện Tổng cục Du lịch vẫn bảo lưu quan điểm: “Người có bằng tốt nghiệp trung cấp, CĐ, ĐH ngành đào tạo khác hoặc ngành có liên quan đến du lịch mà không đúng với các ngành quy định tại Thông tư 06 vẫn phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa, quốc tế”.
Nghĩa là sếp các công ty du lịch vẫn phải cắp sách đến trường nếu muốn có chứng chỉ du lịch. Thế nhưng khi các công ty du lịch đang thực hiện thì đùng một cái, nay ngành du lịch lại dừng quy định trên.
Sếp nhiều DN than rất khổ vì phải học lại như sinh viên dù đã có rất nhiều bằng về du lịch. Trong ảnh: Sinh viên khoa Du lịch Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đang tham gia khóa học thực tiễn. Ảnh: TU
Không biết đường nào mà lần
Bình luận về động thái trên, chuyên gia du lịch Trần Trung cho rằng hàng ngàn công ty du lịch vẫn phải chờ đến quý II-2019 khi Thông tư 06 sửa đổi có hiệu lực mới biết chắc chắn điều kiện kinh doanh được quy định cụ thể như thế nào. Điều này đang đặt ra nhiều thách thức không nhỏ các công ty du lịch lẫn cơ quan quản lý trong thời gian tới vì không biết phải làm như thế nào cho đúng.
Theo Tổng cục Du lịch, đến nay vẫn còn 1.605 DN có giấy phép lữ hành quốc tế năm 2017 về trước tiếp tục bổ sung chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch. Còn theo Sở Du lịch TP.HCM, hiện còn 553 công ty phải thực hiện bổ sung chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa và ký quỹ 100 triệu đồng mới được cấp phép trở lại hoạt động. Theo tính toán của một số chuyên gia, các công ty lữ hành cả nước phải chi ra hơn 17,250 tỉ đồng chỉ để ôn và thi lấy chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch. |
Ví dụ: Luật Du lịch 2017 đã có hiệu lực từ ngày1-1-2019 nhưng hiện vẫn còn hơn 500 công ty lữ hành nội địa tại TP.HCM cần bổ sung các điều kiện kinh doanh, bao gồm cả bằng cấp, chứng chỉ hành nghề. Vậy nếu cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra phát hiện doanh nghiệp (DN) chưa đủ điều kiện kinh doanh mà vẫn hoạt động thì sẽ không biết phải xử lý như thế nào. Nghĩa là bản thân cơ quan chức năng địa phương cũng rất lúng túng.
Về phía các DN, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt, bày tỏ rằng việc Tổng cục Du lịch ngừng kiểm tra điều kiện người phụ trách kinh doanh lữ hành không biết nên “mừng hay vui gì”. Bởi ông Huê cho rằng chính sách du lịch bao nhiêu năm qua thay đổi liên tục. Chẳng hạn như thời hạn của thẻ hướng dẫn viên ban đầu là vô thời hạn, sau đó giảm xuống ba năm và đến nay lại tăng lên năm năm.
“Trong giai đoạn ngành du lịch cạnh tranh khốc liệt, DN lo lắng làm sao cạnh tranh được với đối thủ. Do đó Nhà nước cần làm sao có chính sách ổn định để hỗ trợ DN chứ không phải nay thế này, mai thế khác khiến các nhà kinh doanh không biết đường nào mà lần” - ông Huê nói.
Tương tự, đại diện một công ty lữ hành khác nói ông không quan tâm việc ngừng kiểm tra điều kiện người phụ trách kinh doanh lữ hành. Bởi thời gian qua công ty ông đã phải cắn răng đáp ứng các điều kiện của Thông tư 06.
“Tôi đã từng phản ứng về quy định vô lý tại thông tư này nhưng cũng phải chi vài chục triệu đồng cho 10 người của công ty, lẫn bản thân tôi đi ôn thi lấy chứng chỉ nghiệp vụ. Tôi chỉ thấy thật tội nghiệp cho các công ty du lịch là nạn nhân của các chính sách “sáng nắng, chiều mưa, mai lại đúng”. Chính sách phập phù, chín non như vậy không chỉ làm mất nhiều thời gian của DN mà còn hành họ đủ kiểu” - vị giám đốc trên nói.
Nhiều ý kiến khác cũng đồng tình với quan điểm trên và cho rằng không hiểu sao cơ quan chức năng lại ban hành quy định ngược đời rồi thay đổi liên tục làm khổ người kinh doanh như vậy. “Với cách làm tắc trách của cơ quan quản lý du lịch khi ban hành văn bản trên đã làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của hàng loạt DN” - giám đốc một công ty bức xúc.
Sai một chữ vẫn phải cắp sách đến trường
Tôi có bằng thạc sĩ Việt Nam học nhưng vẫn phải đi học lại lớp nghiệp vụ du lịch. Bên cạnh đó, tôi đường đường chính chính tốt nghiệp ĐH.
Bằng ĐH của tôi ghi là "quản trị kinh doanh-du lịch", trong khi Thông tư 06 quy định bằng phải ghi chính xác là "quản lý và kinh doanh du lịch", tức trên bằng chỉ khác chữ "lý" và chữ "trị".
Hiểu một cách nôm na nghĩa là bằng ĐH ghi "quản trị kinh doanh-du lịch" của tôi không được chấp nhận, phải đi học lại. Trong khi sinh viên tôi dạy, tốt nghiệp ở những trường CĐ, trên bằng chỉ ghi chữ du lịch lại hợp pháp.
Ông ĐÀO VĂN CHIÊU, đại diện Group Việt Nam Travel