Nuôi gà, vịt trong khuôn viên
Khu tái định cư Trần Phú (Hoàng Mai, Hà Nội), được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2010, nhằm mục đích phục vụ tái định cư giải phóng mặt bằng Công viên Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng). Dự án có tổng kinh phí 761 tỷ đồng, dự kiến xây dựng 4 cụm nhà chung cư cao tầng có chức năng là nhà ở với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hoàn chỉnh. Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, đến nay, có hai toà chung cư cao tầng được xây dựng xong, nhưng hàng trăm căn hộ chưa có người ở. Khuôn viên xung quanh khu tái định cư hoang hoá nhiều năm, cỏ dại mọc khắp nơi. Một số khu vực, vốn được quy hoạch làm khuôn viên, vườn hoa, tiểu cảnh hiện được trưng dụng để chăn nuôi gà, vịt. Một lối xuống tầng hầm của khu chung cư cũng được tận dụng làm nơi nuôi nhốt gia cầm. Một số hộ dân ở quanh khu vực cho biết, chưa biết thời điểm nào có người dân về ở.
Chung cảnh ngộ, chỉ cách vài trăm mét, hai toà nhà tái định cư nằm trên phố Khuyến Lương (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng nhiều năm nay chưa có người ở. Dường như hai toà nhà chung cư với cả trăm căn hộ vừa được sơn sửa lại và làm mới khuôn viên. Những mảng tôn quây xung quanh toà nhà đã được dỡ bỏ. Đường nội bộ quanh toà nhà cũng đã hình thành, tuy nhiên, các khu vực ra vào toà nhà vẫn khoá. Vật liệu xây dựng chắn ngang các lối vào. Một đoạn vỉa hè được người dân trưng dụng làm nơi phơi thóc. Ở phường Yên Sở, khu vực gần ngõ 156 đường Tam Trinh (Yên Sở, Hoàng Mai) một toà chung cư tái định cư cao hơn chục tầng nhiều năm nay cũng không có người ở.
Gà vịt được nuôi trong khuôn viên khu tái định cư Trần Phú (Hoàng Mai, Hà Nội). (Ảnh: Trường Phong)
Tình trạng hoang hoá, không có người ở cũng diễn ra tại nhiều chung cư tái định cư khác. Ngay cạnh đường Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) - đoạn gần chợ đầu mối Đền Lừ, 3 toà chung cư tái định cư nhiều năm nay không có người ở. Trong đợt cao điểm dịch COVID-19, hai toà nhà được trưng dụng làm cơ sở điều trị, cách ly bệnh nhân COVID-19. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, hai toà chung cư lại “cửa đóng then cài”. Hạ tầng xung quanh các toà chung cư tái định cư này cũng bắt đầu hư hỏng, xuống cấp. Nhiều khu vực thường xuyên là nơi tập kết rác thải, vật liệu xây dựng…Trên địa bàn quận Cầu Giấy, dù nằm ngay ngã tư phố Nguyễn Chánh - Mạc Thái Tổ, khu chung cư tái định cư cao tầng cũng chỉ mới có một phần người dân đến ở, phần còn lại vẫn khoá cửa, hoang hoá.
Lãng phí rất lớn tài sản nhà nước
Trong đợt giám sát của HĐND thành phố Hà Nội mới đây, Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cho biết đang quản lý 167 tòa nhà chung cư tái định cư với gần 14 nghìn căn hộ. Qua khảo sát thực địa, báo cáo của Cty cũng như ý kiến của các sở, ngành, Đoàn giám sát HĐND thành phố cho rằng, còn nhiều căn hộ, nhiều diện tích kinh doanh dịch vụ tại các chung cư tái định cư để trống. Đoàn giám sát khẳng định, việc để tồn tại các căn hộ trống chưa bố trí dân vào ở, chưa cho thuê diện tích kinh doanh dẫn đến công trình xuống cấp, gây lãng phí tài nguyên và nguồn lực xã hội.
Tại cuộc giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà yêu cầu Cty phải phối hợp Sở Xây dựng đề xuất phương án đưa các căn hộ tái định cư còn trống vào sử dụng; chủ động nghiên cứu đề xuất cơ chế quản lý, vận hành các tòa nhà tái định cư đảm bảo theo các quy định về quản lý nhà chung cư, trong đó, bao gồm công tác thực hiện cải tạo, sửa chữa nếu cần thiết; đặc biệt có nhiều khu nhà có vị trí thuận lợi, đã được sử dụng là khu cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19 thì sớm kiến nghị để trả lại cho Cty vận hành, bàn giao cho các hộ dân thuộc diện tái định cư theo quy định.
Bà Hà cũng yêu cầu khẩn trương rà soát các phương án bố trí tái định cư đã duyệt để đẩy nhanh tiến độ đưa dân vào sử dụng các quỹ nhà trống; xây dựng cơ chế bố trí quỹ nhà tái định cư đảm bảo sử dụng hiệu quả, tránh xuống cấp, lãng phí; đẩy nhanh tiến độ lập và trình phê duyệt phương án đấu giá quyền thuê diện tích kinh doanh dịch vụ tại tầng 1 các chung cư tái định cư. Tại cuộc làm việc với Sở Xây dựng Hà Nội, bà Hà tiếp tục lưu ý, việc còn nhiều căn hộ, nhiều diện tích kinh doanh dịch vụ tầng 1 tại các chung cư tái định cư, các căn hộ tái định cư còn để trống cho thấy việc điều tiết, trách nhiệm quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước, mà trực tiếp là Sở xây dựng và việc khai thác, kinh doanh của các công ty được giao quản lý còn chưa hiệu quả, gây lãng phí tài sản nhà nước của thành phố.