Việt Nam may mắn sở hữu một loại cây quý của thế giới là cây quế. Quế là loài cây chỉ có số ít quốc gia trồng được, chủ yếu có tại các quốc gia bao gồm Indonesia, Trung Quốc, Việt Nam và Srilanka. Tại Việt Nam, quế được trồng ở các tỉnh như Yên Bái, Lào Cai, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thái Nguyên.
Thông thường, những rừng quế thấp thì chỉ khoảng 3-5 năm là người dân có thể thu hoạch. Tuy nhiên đối với sản phẩm chất lượng cao thì yêu cầu cây quế phải trên 15 năm tuổi. Tất cả bộ phận của cây quế như vỏ, lá, hoa, gỗ, rễ đều có thể dùng được. Theo thống kê từ Tridge, tổng sản lượng quế toàn cầu hàng năm vào khoảng 242.000 tấn, tổng thương mại xuất khẩu 154.000 tấn.
Cũng theo Tridge, sản lượng quế của 4 nhà sản xuất lớn nhất thế giới lần lượt là Indonesia đạt sản lượng 89.000 tấn, Trung Quốc 82.000 tấn, Việt Nam đứng thứ 3 toàn cầu về sản lượng quế với 41.000 tấn, Srilanka đạt 24.000 tấn.
Có thể thấy Việt Nam chỉ có sản lượng quế khoảng 41.000 tấn/năm, chỉ bằng 1/2 so với Trung Quốc và Indonesia tuy nhiên hiện nước ta đã dẫn đầu thế giới về kim ngạch xuất khẩu quế. Năm 2022, quế Việt Nam chiếm 18,2% về sản lượng nhưng chiếm 34,4% về thị phần xuất khẩu quế toàn cầu với kim ngạch đạt trên 292 triệu USD.
Bên cạnh sản lượng nội địa, nước ta còn nhập khẩu một lượng lớn quế từ Trung Quốc và Indonesia. Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, nhập khẩu quế của Việt Nam trong tháng 6 đạt 282 tấn, trị giá đạt gần 1 triệu USD, giảm 26% so với tháng trước.
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm nước ta nhập khẩu 2.734 tấn quế với kim ngạch đạt 6,4 triệu USD, giảm 75% về lượng và giảm 77% về kim ngạch. Đáng chú ý Trung Quốc là nhà cung cấp quế lớn nhất của Việt Nam với 1.188 tấn, chiếm tỷ trọng 43% trong cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam.
Trong năm 2023, Việt Nam đã nhập khẩu 14.806 tấn quế, kim ngạch đạt 37,6 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2022 lượng nhập khẩu giảm 28%. 2 nhà cung cấp chủ đạo vẫn là Trung Quốc và Indonesia chiếm lần lượt 81,2% và 12,6% đạt 12.017 tấn và 1.869 tấn.
Hiện nay, quế Việt Nam đã được xuất khẩu tới gần 100 nước trên thế giới, chiếm 95% thị phần thị trường Ấn Độ , 36,5% của Mỹ và 35% thị trường châu Âu. Tuy nhiên, tỷ lệ xuất khẩu quế chế biến chỉ chiếm 18,6%, tương đương 18.659 tấn, trong đó 70% được xuất khẩu sang Mỹ và 12% sang châu Âu.
Dù có được vị trí cao trên thị trường quốc tế, các chuyên gia đánh giá rằng tiềm năng, lợi thế của ngành quế còn chưa được phát huy tương xứng. Nguyên nhân là do sản xuất còn manh mún, thiếu các sản phẩm chất lượng cao , tồn dư nhiều kim loại nặng và thuốc bảo vệ thực vật … dẫn tới kém lợi thế cạnh tranh .
Đại diện VPA cho biết ngành quế Việt Nam vẫn gặp nhiều nút thắt như chưa có định hướng chiến lược phát triển bền vững ở cấp quốc gia; thiếu cơ chế để đưa ra những nghiên cứu nhằm kịp thời phản hồi yêu cầu của thị trường; tồn dư hóa chất glyphosate (có trong thuốc trừ cỏ) và hoạt chất chlorpyrifos (có trong thuốc trừ sâu) và hàm lượng kim loại: chì và thủy ngân; chất lượng cây giống còn bỏ ngỏ, chưa có nghiên cứu giống đầu dòng; chưa có một tổ chức làm đầu mối kết nối các tổ chức lại với nhau dẫn tới các chương trình hoạt động mang tính riêng lẻ.
Bên cạnh đó là khó khăn về liên kết tiêu thụ sản phẩm, phát triển thị trường . Trong đó, liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với người trồng quế chưa phát triển; chưa có các nghiên cứu đánh giá tiềm năng khác từ quế để thúc đẩy giải pháp gia tăng giá trị, ví dụ như về thị trường carbon, giá trị các sản phẩm phụ từ quế,…đây là những nút thắt cần được tháo gỡ của ngành quế hiện nay.