Tết Kỷ Hợi 2019 sắp đến, mùa phục vụ Tết lại đang bắt đầu, các đơn vị sản xuất - kinh doanh trong cả nước đang hối hả chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết cổ truyền của dân tộc. Điểm qua hai thành phố lớn đều có sự chuẩn bị tương đối đầy đủ, chu đáo và khá toàn diện với những số liệu công bố về quỹ hàng hóa để phục vụ tiêu dùng.
Cụ thể, TP Hà Nội đã chuẩn bị 28.500 tỷ đồng, TP HCM chuẩn bị 18.400 tỷ đồng. Đi đôi với tổng trị giá hàng hóa, số lượng hàng hóa thiết yếu cũng được công bố. Theo đó, TP Hà Nội đã chuẩn bị 190.000 tấn gạo, 44.000 tấn thịt lợn, 14.000 tấn thịt gà, 12.000 tấn thịt bò, 250 triệu quả trứng, 250 tấn rau, 3.000 tấn bánh mứt kẹo, 200 triệu lít rượu bia…
Hai thành phố đã động viên các doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa phục vụ tết tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng và một số đơn vị sản xuất. Ngoài ra, cả Hà Nội và TP HCM còn tổ chức bán hàng bình ổn giá ở một số điểm, tổ chức các hội chợ Xuân, các đợt phục vụ lưu động ở các khu công nghiệp, khu sinh viên và đưa hàng Việt về nông thôn với hàng trăm đợt bán hàng lưu động và đặc biệt lưu tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm trong dịp Tết sắp tới.
Nhiều tỉnh, thành phố đã chuẩn bị chu đáo hàng hóa phục vụ Tết Kỷ Hợi.
Điều đáng nói là ở chỗ, theo kinh nghiệm qua những dịp Tết trước đây cho thấy, mặc dù các thành phố lớn đã chi hàng nghìn tỷ đồng bình ổn giá với lãi suất bằng 0% trong một số thời gian để các doanh nghiệp bán lẻ dự trữ hàng phục vụ Tết. Tuy nhiên, những ý định tốt đẹp đó lại không có hiệu quả cao bởi thay vì hỗ trợ cho sản xuất, tạo nguồn cung cho thị trường thì chương trình bình ổn giá lại chủ yếu hỗ trợ cho các đơn vị bán lẻ là các siêu thị.Theo nhận định chung, hàng hóa trên thị trường, nhất là nhu yếu phẩm, may mặc, điện máy, dụng cụ gia đình không hề thiếu trong dịp này. Điều quan trọng là người tiêu dùng cần quan tâm đến giá cả cạnh tranh, chất lượng sản phẩm đảm bảo cho gia đình và bản thân trong dịp mua sắm Tết. Người tiêu dùng cũng cần chú ý hơn là những mặt hàng thiết yếu như gạo, dầu ăn, thịt, cá, rau quả các loại, một số đồ uống thường hay có những biến động giá trong dịp Tết, nhất là khi mất cân đối về cung - cầu hoặc bị thiên tai, dịch bệnh đột xuất.
Trong khi đó, các đơn vị bán lẻ là các siêu thị hầu hết lại phải mua hàng hóa qua các đại lý cấp I, cấp II hoặc qua thương lái nên giá cả hàng hóa thường bị đẩy lên nên rất khó có thể cạnh tranh về giá. Đó là chưa kể, trị giá các mặt hàng chủ yếu tham gia bình ổn chỉ chiếm cao nhất cũng chỉ chiếm từ 30-40% nhu cầu, chủng loại không phong phú nên rõ ràng khó có thể áp đảo được thị trường những lúc nguồn cung bị thiếu hụt.
Một ví dụ cụ thể, mặt hàng gạo nằm trong 12 mặt hàng nhu yếu phẩm dịp Tết thì chỉ có 2-3 loại là tham gia bình ổn; dầu ăn có tới 6-7 loại thì chỉ có 2-3 loại tham gia bình ổn, một số mặt hàng khác cũng có tình trạng tương tự như vậy khiến người tiêu dùng khó có điều kiện lựa chọn những mặt hàng ưa thích.
Việc điều hành giá bình ổn cũng có nhiều vấn đề, đó là khi hàng hóa của nông dân trong dịp này cần nâng lên để có giá hợp lý, người dân sẽ có lợi nhuận sản xuất thì hàng bình ổn lại ép giá xuống. Hoặc khi giá cả hàng hóa quá cao cần điều chỉnh giảm xuống thì bình ổn giá lại giữ giá, điều này khiến một số chuyên gia cho rằng việc bình ổn giá là “phi thị trường”. Những dịp Tết phải để quyền tự do định giá cho các doanh nghiệp theo cung cầu, trừ những mặt hàng do nhà nước định giá.
Trong thực tế điều hành giá, đã có những trường hợp giá hàng hóa vẫn chạy theo thị trường. Ví dụ từ đầu năm 2017 đến nay, ở TP HCM đã điều chỉnh giá tăng 5 lần đối với hàng bình ổn giá thì thật là khó hiểu!?
Mặt khác, cần phải lưu ý thêm, doanh số của các siêu thị mới chiếm 25% thị phần, còn lại 75% là ở các kênh thương mại truyền thống như chợ, cửa hàng lẻ, hàng rong… nên quỹ hàng hóa hàng chục nghìn tỷ đồng của các tỉnh thành phố công bố rất hoành tráng, song điều quan trọng là Sở Công Thương và Sở Tài chính của địa phương đó có điều hành được quỹ hàng hóa đó không? Tất nhiên địa phương chỉ điều hành một phần trong quỹ hàng hóa đó, còn lại do cung cầu quyết định.
Chính vì thế, muốn tổ chức bình ổn giá trong dịp Tết, cơ quan điều hành, hệ thống thương mại cần tổ chức hệ thống phân phối rộng khắp, không ngăn sông cấm chợ, tạo điều kiện cho cung, cầu gặp nhau, hàng hóa được giao lưu, liên kết giữa các địa phương trong cả nước để hỗ trợ, phục vụ nhân dân trong dịp Tết.
Cùng với đó, cần thúc đẩy sản xuất phát triển, ngăn ngừa dịch bệnh, hạn chế những thiệt hại của thiên tai, tổ chức chuỗi sản xuất phân phối chặt chẽ, vừa đảm bảo giảm chi phí lưu thông, vừa quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhân dân. Ngăn chặn việc ép giá, ép cấp của các đơn vị trung gian và đơn vị bán lẻ làm cho giá hàng hóa lên cao.
Tăng cường kiểm tra giá cả thị trường trong dịp Tết, chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán và sản xuất hàng giả, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Các cơ quan thông tấn báo chí cần biểu dương những đơn vị làm ăn tốt, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, khuyến khích những đơn vị có thương hiệu sản xuất và thương hiệu phân phối làm ăn tử tế, có trách nhiệm phục vụ nhân dân trong dịp Tết.
Về lâu dài, Quốc hội cần luật hóa được việc phân phối lợi nhuận giữa sản xuất và phân phối. Làm được những việc cơ bản như trên, chắc chắn Hà Nội, TP HCM và các tỉnh, thành phố khác sẽ khắc phục được những khiếm khuyết trong công tác tổ chức nguồn hàng, điều hành giá cả thị trường trong các dịp Tết, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong năm 2019 và những năm tiếp theo./.