Nhà đầu tư Hoa Kỳ quan tâm đến môi trường đầu tư Việt Nam
Ông John Rockhold - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham Hà Nội) cho biết: Hiện doanh nghiệp Hoa Kỳ rất quan tâm đến môi trường đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực tăng trưởng xanh. Điều này được thể hiện khi nhìn vào cấu trúc của doanh nghiệp, có thể thấy doanh nghiệp rất quan tâm đến phát thải ròng bằng 0 theo cam kết Việt Nam đưa ra tại COP 26.
Tuy nhiên, không phải đợi đến năm 2050 như cam kết tại COP26, mà nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể sẽ thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2030.
Cũng theo thông tin từ ông John Rockhold, hiện đang có hàng nghìn tỷ USD từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ đang ngóng để "chảy" vào các lĩnh vực năng lượng xanh, logistics, cơ sở hạ tầng cảng biển, đường sắt của Việt Nam.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến năm 2022, Việt Nam thu hút được gần 1.200 dự án FDI từ Hoa Kỳ, với tổng vốn đăng ký đạt gần 11 tỷ USD, Hoa Kỳ cũng là quốc gia đứng thứ 11/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các dự án của Hoa Kỳ tập trung chủ yếu ở các địa phương như Bà Rịa – Vũng Tàu; TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng.
Tính theo ngành, lĩnh vực, các nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư tập trung chủ yếu vào lĩnh vực: Dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 43,1% tổng vốn đầu tư và lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 32% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là cấp nước và xử lý chất thải, vận tải kho bãi chiếm lần lượt 5,1% và 3,9% tổng vốn đầu tư. Mặc dù, trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ vẫn duy trì hoạt động và tìm kiếm cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam.
Doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam
Để xuất cơ chế phù hợp để đưa dòng vốn vào Việt Nam
Mặc dù nhà đầu tư Hoa Kỳ đang dành sự quan tâm rất lớn đến môi trường đầu tư tại Việt Nam, song theo Chủ tịch AmCham Hà Nội, cơ chế làm sao để Việt Nam thu hút được hàng nghìn tỷ USD từ Hoa Kỳ thì còn một số khó khăn.
Trên cơ sở đó, đại diện AmCham Hà Nội mong muốn, trong năm 2023 sẽ có sự tương tác, hợp tác tốt hơn với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính để tạo ra một cơ chế tốt hơn cho nhà đầu tư Hoa Kỳ, nhằm đưa dòng vốn đó vào Việt Nam.
Cụ thể hơn, Chủ tịch AmCham Hà Nội cho rằng, để thu hút được dòng vốn lớn từ doanh nghiệp Hoa Kỳ, lãi suất dành cho phát triển xanh cần được thiết kế hợp lý và ưu đãi hơn, còn nếu lãi suất "lên đến 2 con số" thì không đơn giản để thực hiện.
Trước đó, chia sẻ tại một sự kiện thu hút đầu tư vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra tại TP. Cần Thơ, ông John Rockhold cho biết, lĩnh vực đầu tư điện gió đang rất hấp dẫn nhà đầu tư Hoa Kỳ tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2023, AmCham có kế hoạch khởi động dự án mang tên "Kế hoạch sản xuất năng lượng tại Việt Nam", đây là dự án nhằm hỗ trợ phát triển chính sách, tiếp cận nguồn vốn tín dụng phát triển thị trường năng lượng sạch tại Việt Nam.
Tuy nhiên ông John Rockhold đề xuất, để có thể thu hút mạnh nguồn vốn FDI vào lĩnh vực đầu tư điện gió trong thấp kỷ tới, Chính phủ Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư trong lĩnh vực này như phê duyệt Quy hoạch Điện VIII, xây dựng cơ chế đấu thầu, ban hành giá FIT mới; áp dụng thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA). Đồng thời Chính phủ Việt Nam cần bổ sung đại diện khu vực kinh tế tư nhân đầu tư hạ tầng ngành điện và đại diện ngân hàng cấp tín dụng cho các dự án điện.
Kết quả điều tra tại Báo cáo thường niên 2022 về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài công bố mới đây cho thấy, 68,5% các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đánh giá Việt Nam có thuận lợi hơn về địa điểm đầu tư so với những quốc gia khác mà doanh nghiệp cân nhắc đầu tư. Ví dụ như các vấn đề về chi phí và chất lượng lao động, thuế và khả năng ứng phó của Chính phủ Việt Nam với các tình thế khẩn cấp được cho là tích cực hơn so với các quốc gia khác.
Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng vấn đề tham nhũng và hệ thống thủ tục hành chính, chất lượng cơ sở hạ tầng, chất lượng cung cấp dịch vụ công ở Việt Nam không bằng quốc gia xuất xứ. Trong khi doanh nghiệp gặp ít khó khăn nhất khi tiến hành thủ tục cấp phép và tiếp cận điện năng thì việc tuân thủ các thủ tục thuế và thủ tục xử lý doanh nghiệp mất khả năng thanh toán (phá sản doanh nghiệp) vẫn là một rào cản khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian để tuân thủ. Theo đó, cải thiện thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn lao động … vẫn là vấn đề Việt Nam cần lưu tâm.