Ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, phía Trung Quốc đang siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thông quan hàng hóa. Trung Quốc đã thành lập đội lái xe chuyên trách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma. Trung Quốc rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa còn 5 giờ/ngày và nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật và các ngày lễ tại cửa khẩu Chi Ma, Tân Thanh và Cốc Nam.
Phía Trung Quốc cũng dừng hoạt động thông quan tại cửa khẩu Bình Nghi, chưa cho nhập khẩu mặt hàng thủy sản tươi sống qua cửa khẩu Cốc Nam. Trung Quốc cũng chưa bổ sung, mở rộng thêm các mặt hàng nông sản, trái cây của Việt Nam được nhập bằng đường sắt từ ga Đồng Đăng sang Trung Quốc như các cửa khẩu đường bộ.
Theo lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, từ ngày 7/4 (thời điểm Trung Quốc áp dụng lái xe chuyên trách), lượng xe xuất nhập khẩu chỉ đạt khoảng 600 lượt xe/ngày, giảm 50% so với trước đó, và những ngày cuối tuần chỉ còn 400 xe/ngày. Lượng xe nông sản tồn ứ tại Lạng Sơn luôn duy trì 2.300-2.600 xe/ngày, chủ yếu là trái cây tươi.
Phó Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn cũng cho biết, dù đã có văn bản cảnh báo các địa phương, hiệp hội, DN hạn chế đưa nông sản lên Tân Thanh trong vòng 15 ngày (kể từ 16/4) nhưng đến nay mỗi ngày vẫn có từ 300-350 xe hàng ùn ùn kéo lên cửa khẩu. Từ ngày 7/4 đến nay, lượng xe thông quan chỉ 80-100 xe, trong khi năng lực xếp dỡ, giải phóng hàng hóa ở Pò Chài (Trung Quốc) chỉ đạt 50-60 xe/ngày. Lượng xe tồn tại khu vực Tân Thanh và Pò Chài luôn duy trì trên 1.000 xe/ngày.
Còn theo bà Lâm Thị Phương Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn, có thời điểm đến 3.000 xe nông sản kéo lên, tới 6.000-7.000 người, hàng quán đóng cửa, thiếu chỗ ăn ở, sinh hoạt rất khó khăn… gây áp lực rất lớn về vấn đề môi trường. Tỉnh đã đề nghị các đơn vị nấu cơm, rồi ship phần ăn đến các bến bãi, bố trí nhà vệ sinh lưu động... Lãnh đạo Lạng Sơn kiến nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp khoảng 300 tỷ đồng để đáp ứng các thiết bị, vật tư y tế, cũng như việc mở rộng các đường dẫn vào các cửa khẩu, đẩy nhanh thông quan hàng hóa.
Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, trước mắt, cần phối hợp với các địa phương để điều phối lượng hàng hóa đưa lên cửa khẩu. Hướng dẫn nông dân, chủ hàng thay đổi để hướng đến xuất khẩu nông sản chính ngạch; tăng cường giao thương bằng đường sắt với Trung Quốc.
Sau khi khảo sát tại các cửa khẩu, Bộ trưởng NN&PTNT cho biết, qua làm việc của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, tỉnh Lạng Sơn với phía Trung Quốc, trước mắt hai bên sẽ thống nhất mở thêm một số lối kiểm tra hàng, tăng thêm giờ làm việc tại cửa khẩu, đặc biệt là Tân Thanh có thể từ 5 giờ hiện nay lên 7 giờ (thêm 2 giờ). Lạng Sơn cần phối hợp để có giải pháp tăng năng lực bốc dỡ của hai bên, cố gắng trong thời gian ngắn nhất, giải được lưu lượng xe như hiện nay.
Ngoài ra, phía Việt Nam và Trung Quốc đã thống nhất thành lập đường dây nóng, khi có bất kỳ vướng mắc, khó khăn nào, sẽ cùng nhau giải quyết nhanh nhất. Bộ trưởng Cường cũng đề nghị các địa phương, DN tạm thời không đưa hàng nông sản lên Tân Thanh, vì đưa lên lúc này cũng lại phải chờ đợi, gây tốn kém chi phí, ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa, vệ sinh môi trường.
Về lâu dài, ông Cường cũng cho rằng, các bộ ngành sẽ tham mưu Chính phủ đánh giá lại toàn bộ năng lực thông quan ở Lạng Sơn, từ hệ thống logictics, bến bãi, quy trình các khâu tiếp nhận hàng hóa... cũng như thế mạnh của cửa khẩu ứng với từng nhóm hàng, nhằm điều hành luồng đi một cách khoa học, hợp lý.