Thiếu tá Nguyễn Đức Bính, Đồn trưởng Biên phòng Chi Ma (huyện Lộc Bình), cho biết: Kể từ ngày 8/12, với lý do phòng chống dịch COVID-19 và hệ thống mạng xuất nhập khẩu của ngành chức năng Ái Điểm (huyện Ninh Minh, Quảng Tây, Trung Quốc) trục trặc nên phía bạn đột ngột tạm ngừng thông quan hàng hóa. Kể từ đó đến nay, người xuất nhập cảnh không có, hàng hóa của Việt Nam đỗ đậu tại khu vực cửa khẩu ách tắc cục bộ. Tính đến ngày 16/12, tại khu vực này còn tồn 675 xe ô tô chở hàng nông sản.
Theo Thiếu tá Bính, mấy ngày trước lượng xe nhiều hơn, song một số chủ hàng chở hàng trái cây tươi xuất khẩu đã “cao chạy xa bay” tìm đến các cửa khẩu ở Lạng Sơn và Cao Bằng, hy vọng sẽ được thông quan sớm, không thì sẽ hỏng, thối hàng.
“Hiện nay, phần nhiều hàng tồn ứ ở Chi Ma là tinh bột sắn. Thời tiết khắc nghiệt lại để lâu ngày nên có nguy cơ ẩm mốc. Thêm nữa, do phải chi phí bến bãi, ăn nghỉ lâu ngày tại cửa khẩu lại mịt mùng ngày chờ phía Trung Quốc mở cửa trở lại nên nhiều chủ hàng, lái xe đang thấp thỏm “sống dở, chết dở, rất tội nghiệp”, Thiếu tá Bính nói.
Các lực lượng chức năng tại cửa khẩu Chi Ma cho biết, đã thường xuyên hội đàm, trao đổi với đơn vị hữu trách nước bạn, đề nghị khẩn trương khôi phục thông quan lại để cho hàng hóa xuất nhập khẩu bình thường. Hiện nay phía Trung Quốc chưa có phản hồi về thời gian khôi phục thông quan trở lại vì lý do cấp trên chưa có ý kiến chỉ đạo. Trước tình hình này, Biên phòng kết hợp với Hải quan vận dụng cho hàng hóa tạm thời hạ tải xuống các kho bãi trong khu vực để giải phóng xe, giảm áp lực cho cửa khẩu.
"Các ngành chức năng địa phương xem xét đề nghị thành lập một nhóm trên ứng dụng WeChat để thực hiện trao đổi thông tin quản lý đối các phương tiện, hàng hóa giữa hai bên biên giới Việt - Trung, xây dựng phòng họp trực tuyến theo tiêu chuẩn quy định nhằm tháo gỡ khó khăn hiện nay".
Bà Đoàn Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn
Chia sẻ những khó khăn này, bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 (Lạng Sơn) cho biết, bên cạnh nắm chắc diễn biến tại cửa khẩu biên giới phía Bắc, các doanh nghiệp cũng cần thận trọng trong việc giám sát chất lượng cũng như sâu bệnh dịch hại trên hoa quả tươi, tránh để tình trạng hàng bị trả về. Thu hoạch tại các địa phương, người dân phải làm tốt công tác bảo quản. Chú trọng kiểm tra chất lượng sản phẩm cũng như bao bì đóng gói, chủ động bảo quản nông sản tại vườn, gia đình, công ty.
“Cục Bảo vệ thực vật đã bố trí đầy đủ các nguồn lực để thông quan hàng hóa, giải quyết các thủ tục để hàng, phương tiện được sang Trung Quốc một cách thuận lợi nhất. Chúng tôi cũng đã bố trí cho các doanh nghiệp đăng ký các thủ tục trực tuyến qua mạng”, bà Hà nói.