Thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, từ ngày 1.1.2018, 10 nghị định về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam đã có hiệu lực.
Theo đó, trong năm 2018 có tổng cộng hơn 16.200 dòng thuế giảm về 0% tập trung ở các nhóm hàng thủy sản, bột mì, chế phẩm bánh kẹo, nhiên liệu diesel, nhiên liệu bay, sơn, chế phẩm giặt tẩy, nhựa, sắt thép và sản phẩm sắt thép, máy móc thiết bị điện, điện tử... theo FTA Việt Nam - Hàn Quốc; sữa và sản phẩm từ sữa, hóa chất và sản phẩm hóa chất, ôtô và phụ tùng linh kiện ô tô... theo FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu; thức ăn gia súc đã chế biến, hóa chất vô cơ, hoá chất hữu cơ nhựa, gỗ, sắt thép, máy móc thiết bị, bộ phận xe cộ... theo FTA Việt Nam - Chi Lê...
Đáng chú ý là hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ khu vực ASEAN trong biểu thuế ASEAN (ATIGA) đã có thuế nhập khẩu về 0% từ 1.1.2018 với các mặt hàng như ôtô, xe máy, phụ tùng linh kiện ôtô xe máy, hoa quả nhiệt đới, tủ lạnh, máy điều hòa, sữa...
Về lý thuyết, việc giảm thuế nhập khẩu sẽ kéo giảm đáng kể giá nhiều mặt hàng. Chẳng hạn, với Nghị định ban hành biểu thuế ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), thuế nhập khẩu quần áo, máy móc điện tử sẽ giảm từ mức 5% và 10% xuống 0% hay sữa, các mặt hàng từ sữa nhập khẩu từ Châu Âu sẽ cũng giảm về 0%.
Tuy nhiên, trả lời báo giới, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, không dễ đánh giá mức độ tác động của việc giảm thuế tới giá các sản phẩm nói trên vì còn phụ thuộc vào nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, về nguyên tắc, thuế giảm, giá sẽ giảm để tăng sức cạnh tranh. Riêng với mặt hàng ôtô, trái với kỳ vọng của thị trường, giá các dòng xe nhập từ ASEAN chưa giảm, thậm chí còn tăng do nguồn cung giảm vì các nhà nhập khẩu hiện đang vướng nhiều rào cản kỹ thuật và chưa thể nhập xe về nước sau ngày 1.1.2018.