Vẫn như mọi năm, tài xế Đặng Văn Hưởng (quê xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên), tạm biệt vợ con từ mồng 3 tết để rong ruổi container chở hàng hoa quả từ miền Nam ngược ra Bắc ngày mồng 7 tháng Giêng xuất bán sang Pò Chài (Trung Quốc) lấy may.
Mòn mỏi chờ mở cửa biên giới
“Mọi năm cứ dịp này là nước bạn mở cửa, chủ hàng Trung Quốc xởi lởi đón hàng, trả tiền rồi còn lì xì cho tôi. Vậy nhưng, năm nay khi đến Lạng Sơn thì gặp phải dịch bệnh corona, thế là cánh cửa biên giới Việt - Trung đóng sập. Hàng hóa không được qua lại. Tôi cùng hàng trăm người khác bị tắc tại bãi kiểm hóa cửa khẩu này đã trên 10 ngày nay”, ông Hưởng thở dài.
Chung số phận với ông Hưởng, hiện tại ở cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn), bãi tập kết nhộn nhịp của hàng nông sản, hoa quả tươi xuất khẩu lớn nhất miền Bắc biến thành một nơi đìu hiu, lạnh lẽo với 234 xe container cùng trên 4.600 tấn hoa quả, phần lớn là thanh long, dưa hấu “ăn chực, nằm chờ”.
Xem thêm các thông tin về Nhật ký mùa dịch virus corona tại đây
Chúng tôi nghe có tiếng nổ rì rầm khắp bãi kiểm hóa. Các xe container đều phải chạy máy để giữ nhiệt thùng lạnh chứa hoa quả, và cả giữ nhiệt ở khoang lái để cánh lái xe đủ sức chống chọi cái rét căm căm trong mưa phùn xứ Lạng.
Ông Nguyễn Khanh, quê Tiền Giang chở 18 tấn thanh long cho biết, mỗi ngày khi hàng chưa qua được biên giới, chủ hàng và cánh lái xe mất tiêu 1 triệu đồng bởi những chi phí phát sinh như ăn uống, xăng dầu, tiền bến bãi.
“Thi thoảng lại gặp một kẻ say rượu, nghiện hút ghé đến xin đểu vài đồng. Màn đêm tại biên giới mới kinh hãi, đen đúa làm sao. Nhiều đêm không ngủ được, mắt mũi cay xè. Sáng ra, gặp người quen cứ ngỡ bọn cướp vùng biên hiện hình”, ông Khanh tâm sự.
Biết trước khó có thể thông quan trong thời gian gần, cánh tài xế rủ nhau mua mì tôm về nấu. Thế là ngày 3 buổi bụng sôi ùng ục vì nóng. Cánh lái xe bảo “chúng tôi họa vô đơn chí”, những người vô gia cư sống trong tâm trạng bất an, sợ muỗi rừng to như ngón tay, rắn rết thi thoảng mò đến. Nhưng ái ngại là nơi vệ sinh không có. Nhiều khi anh em lợi dụng đêm tối làm liều vừa sợ bị phát hiện lại lo mất vệ sinh môi trường, bệnh tật.
Mặc dù đã bán hàng từ Trung Quốc trở về, ông Sơn thất thần vì thua lỗ Ảnh: Duy Chiến
“Các anh chị Hải quan Tân Thanh có đến gặp và thông báo ngày 6/2 bên phía cửa khẩu Hữu Nghị sẽ thông thương hàng hóa và họ đã đàm phán với các cơ quan chức năng Trung Quốc cho chúng tôi chuyển cửa khẩu. Tuy nhiên, chúng tôi không được sự đồng ý của chủ hàng bên Trung Quốc nên đành phải chịu. Cứ phải ráng chờ thôi. Một mắt ngóng về phía biên giới, còn mắt kia thì ngó về thùng container mà lo hỏng hàng”, ông Khanh chua chát.
Thua lỗ nặng
Ba ngày nay, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn), giao thương hàng hóa bắt đầu được kết nối qua biên giới Việt - Trung. Kết quả, đã có mấy chục xe được thông quan, bán sang Trung Quốc.
Đại úy Hà Trọng Dược, Trạm trưởng Trạm Biên phòng Hữu Nghị cho biết, thi thoảng phía bạn lại dừng nhập khẩu vì lo ngại dịch bệnh nên trong 3 ngày mới có khoảng 60 xe container chở mít, xoài, thanh long, ớt và đồ linh kiện điện tử sang Trung Quốc. Trong số này chủ yếu là mít, ớt, mặt hàng chủ đạo được xuất nhiều tại cửa khẩu này.
“Xe hàng của ta sang bên kia biên giới hạn chế là do bến bãi của Trung Quốc rất hẹp lại không có nhân công bốc xếp hàng hóa. Họ nghỉ hết vì sợ dính bệnh theo khuyến cáo của chính quyền”, đại úy Dược nói.
Đã hơn chục ngày mong chờ, xe hàng đã qua được biên giới, thế nhưng bà Nguyễn Hồng V, một chủ hàng người Lạng Sơn chuyên buôn bán hoa quả qua cửa khẩu Hữu Nghị lại không vui. Bà cho biết, ngày 7/2, bà xuất được 8 xe mít quả tươi, hôm qua khá hơn được 10 container. Tuy nhiên, do ít người mua, giá chỉ được 30-40.000 đồng/kg (tùy chủng loại, chất lượng) nên lỗ nặng. “Thời điểm trước tết nguyên đán, tôi bán được khoảng 60.000 đồng/kg mà chủ Trung Quốc không so bì, kì kèo gì. Nay thoát được cảnh ách tắc thì vướng vào chuyện giá cả. Vì chúng tôi trót đóng hàng trước tết nên phải bán chạy thoát thân. Hết mẻ này là tôi nghỉ, chờ đến khi hết dịch, xem tình hình thuận lợi thì mới kinh doanh tiếp”, bà V quả quyết.
Anh Phan Sơn, lái xe hàng cho bà V điện thoại thông báo: Hôm nay các ngành chức năng phía bạn bỗng nhiên bắt trong tờ khai phải có chứng thực của chủ xuất lẫn chủ nhập hàng nên phải nhờ bà V sang bên kia biên giới một chuyến thực hiện yêu cầu mới này.
Chưa hết, gần chục lái xe, phụ xe cho gia đình bà V sau khi bán hàng từ Trung Quốc trở về bị kiểm tra sức khỏe gắt gao, phải vào nhà nghỉ sát biên giới thực hiện cách ly 14 ngày theo quy định.
Nhiều chủ hàng hoa quả khác còn bi đát hơn. Bà Kim Dung, giám đốc Công ty TNHH Thịnh Vượng, Lạng Sơn cho biết, quả thanh long nhập qua cửa khẩu Hữu Nghị đã khó. Ấy vậy mà, hàng sang biên giới, họ chỉ trả giá chưa đến 10.000 đồng/kg, trong khi đó nếu tính tiền ra đến Lạng Sơn, mỗi cân thanh long có giá là 18.000 đồng.
“Đấy là tôi còn có người mua vì chủ Trung Quốc đã đặt trước nên họ mới đón. Còn người khác chỉ còn nước mang thanh long, dưa hấu quay trở về Việt Nam đổ đi. Hiện tôi vẫn còn khoảng vài xe dưa đang chết gí bên kia biên giới”, bà Dung tâm sự.
Gặp khó khăn, thua thiệt là như vậy, thế nhưng trong chiều muộn 7/2, trong lớp mưa phùn giăng mắc, vẫn có những đoàn xe hướng tới biên giới Lạng Sơn, bất chấp sự cảnh báo của chính quyền. Thoảng nghe tiếng thở dài của cánh buôn hoa quả đường dài: “Biết vậy, nhưng vẫn phải nhắm mắt mà đi và hy vọng. Thanh long, dưa hấu đang vào vụ. Hái quả ra chẳng nhẽ lại để nhà, đổ đi?!”.
Theo báo cáo của các ngành chức năng, tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện nay tồn ứ hàng trăm xe hoa quả tại các cửa khẩu. Trong đó, Tân Thanh 234 xe, Cốc Nam 24 xe và cửa khẩu Hữu Nghị trên 100 xe container...