Các nhà máy sản xuất tại Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan và Nam Phi sẽ được Ford tạm thời đóng cửa vì tác động của dịch Covid-19. Theo thông báo của Tập đoàn này, thời gian đóng cửa lần lượt là 21/3 – 26/3 tại Ấn và Việt Nam – Còn ngày 27/3 sẽ đóng cửa đồng thời tại Thái Lan và Nam Phi.
"Chúng tôi đang tiếp tục hành động bám sát theo tình hình thực tế và có các biện pháp an toàn tăng cường cụ thể là việc tạm dừng hoạt động sản xuất tại các nhà máy của chúng tôi trong khu vực", ông Mark Ovenden, Chủ tịch khối Các thị trường quốc tế (IMG) cho biết.
Bên cạnh việc tiếp tục theo dõi tình hình, tập đoàn cũng điều chỉnh kế hoạch sản xuất ban đầu của khối IMG và tạm dừng việc sản xuất của từng thị trường.
Phía Ford Việt Nam cho biết việc tạm dừng sản xuất dự kiến sẽ kéo dài trong khoảng vài tuần, tùy thuộc vào tình hình bệnh dịch, lệnh hạn chế của Chính phủ, tình trạng hoạt động của nhà cung ứng, nhu cầu của khách hàng và tình hình tồn kho của đại lý.
Các hoạt động bán hàng, dịch vụ phụ tùng, cung ứng và hỗ trợ đại lý của Ford Việt Nam vẫn diễn ra bình thường, mặc dù nhân viên văn phòng của Ford Việt Nam cũng đang áp dụng phương thức làm việc từ xa. Tuy nhiên, Ford cho biết có đủ các công cụ và phương thức kết nối để đảm bảo công việc vẫn được thực hiện và giám sát chặt chẽ. Các vị trí trọng yếu cần có mặt tại hiện trường đều được công ty trang bị các thiết bị an toàn cần thiết để giảm rủi ro lây nhiễm virus.
"Hiện Ford Việt Nam đang duy trì một lượng cung ứng đủ cho hoạt động bán hàng trong vài tuần tới. Chúng tôi hy vọng vẫn có thể đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng trong thời gian này", đơn vị này cho biết.
Thực tế, thị trường ô tô đã bắt đầu cho thấy những dấu hiệu ảnh hưởng vì dịch bệnh Covid-19 kéo dài.
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban Chính sách Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), một số doanh nghiệp đã thông báo các vấn đề về gián đoạn nguồn cung khi các đối tác tại Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, châu Âu bị phong toả và cách li. Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, thậm chí tính đến việc đóng cửa nhà máy trong một thời gian nhất định.
Tuy nhiên, vấn đề về nguồn cung, theo công ty Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC), lại sẽ sớm được giải quyết khi hầu hết các nhà máy Trung Quốc quay trở lại trong thời gian tới.
Vấn đề quan trọng hơn được HSC chỉ ra là sự sụt giảm nhu cầu của người tiêu dùng. "Nghiêm trọng là nhu cầu mua xe giảm và chưa rõ sẽ kéo dài trong bao lâu", HSC nhận xét.
Số liệu của VAMA cho biết doanh số bán ô tô trong 2 tháng đầu năm giảm 26,3% so với cùng kỳ, chỉ đạt 31.907 xe.
Trong đó doanh số xe du lịch giảm 29,9% xuống 24.457 xe. Nguyên nhân chủ yếu là trì hoãn mua xe trong giai đoạn dịch bệnh. Xe thương mại giảm 12,2% xuống còn 7.075 xe, chủ yếu do xe bus giảm 46,6%; xe tải giảm 7%.
Trong khi đó, xe chuyên dụng tăng trưởng 24,3% so với cùng kỳ, đạt 377 xe.
Xét theo nơi sản xuất, doanh số bán xe lắp ráp giảm 19,6% so với cùng kỳ, còn 21.296 xe; trong khi xe nhập khẩu nguyên chiếc giảm mạnh 40% xuống 12.107 xe.
Theo số liệu của các hãng: Toyota bán được 8.605 xe, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do giảm ít hơn các đối thủ nên thị phần tăng từ 22,9% lên 27%.
Doanh số bán xe của Honda giảm mạnh 44,4% xuống 3.322 xe và thị phần theo đó giảm xuống còn 10,4% từ mức 13,8% cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự như Honda, Ford cũng ghi nhận doanh số giảm 49,5% so với cùng kỳ xuống 2.527 xe trong 2 tháng đầu năm.