Nếu như vào những năm trước, khoảng thời gian tháng 7, 8 này chính là mùa "cao điểm" du lịch, thì hiện nay, tất cả hoạt động vui chơi đó đều cần phải gác lại để tập trung chống dịch. Cùng với đó, những ảnh hưởng của dịch bệnh cũng không cho phép chúng ta có thể đi lại một cách thoải mái. Điều này không chỉ khiến các tín đồ du lịch cảm thấy "cuồng chân" mà ngay cả những cơ sở lưu trú, hàng quán... đều lâm vào cảnh khó khăn vô cùng.
Chung số phận với rất nhiều điểm du lịch ở khắp nơi trên cả nước, Đà Lạt từ một trong những địa điểm hot nhất nhì, cứ mỗi dịp lễ là đông nghịt khách cũng gặp phải vô vàn khó khăn trong mùa dịch. Một tình cảnh chung mà gần như hàng quán nào tại xứ sở sương mù cũng gặp phải là không có khách du lịch, lượng khách duy trì là người dân địa phương thì không quá đông. Dù "lẹt đẹt" nhưng hàng quán vẫn phải cố gắng "sinh tồn" bởi còn đủ thứ chi phí phải chi trả. Giữa hoàn cảnh đó, loạt hàng quán tại Đà Lạt đã làm gì để có thể gồng gánh và chống đỡ qua mùa dịch?
Chuyển đổi từ cà phê sang làm... tiệm may, vừa thoả mãn đam mê lại vừa khắc phục khó khăn trong mùa dịch
Là một trong những chốn yên bình giữa khu vườn ngập tràn hoa hồng, đã từ lâu, Tiệm cà phê Hoa Hồng trở thành điểm đến của nhiều du khách khi ghé tới Đà Lạt. Tuy nhiên, trải qua những đợt dịch liên tục, lượng khách tới quán đã bắt đầu giảm dần. Theo chị Thi, chủ tiệm, dù tiệm có những khách hàng thân thiết là người dân địa phương nhưng cũng chỉ duy trì được khoảng 30% - 40% so với trước đây. Trong đợt dịch này, Tiệm cà phê Hoa Hồng cũng đang phải tạm đóng cửa một thời gian để tập trung phòng dịch.
Đối mặt với những đợt dịch bệnh liên tiếp, chủ tiệm đã phải tính đến rất nhiều phương án để có thể "sinh tồn". Một trong những ưu tiên hàng đầu được nhiều người cùng hoạt động trong lĩnh vực này áp dụng là xin giảm chi phí mặt bằng. Và rất may là chị Thi đã được hỗ trợ tới 50% - con số khá may mắn đối với những người kinh doanh cùng lĩnh vực. Bên cạnh đó, các nhân viên cũng chấp nhận chịu chung thiệt thòi, tạm nghỉ việc với mức lương hỗ trợ.
Tuy nhiên, một điều khá thú vị ở Tiệm cà phê Hoa hồng chính là cách mà chủ tiệm chuyển đổi để "chống cự" trước dịch bệnh. Chị Thi cho biết: "Từ giữa năm 2020, khi nhận thấy tình hình dịch bệnh có thể sẽ chuyển biến xấu, mình đã quyết định mở rộng sang một lĩnh vực mới cùng tồn tại song song với quán cà phê. Đó là một tiệm may cùng mang tên Hoa hồng trong cùng không gian kinh doanh của quán cà phê. Thật may mắn là lĩnh vực kinh doanh thời trang thiết kế này đã mang lại doanh thu đủ nuôi sống và bù lỗ cho Tiệm cà phê Hoa hồng".
Vậy là vừa được thực hiện đam mê, chị Thi cũng có thêm chút chi phí trang trải cho tiệm cà phê của mình. Khi tình hình ổn hơn, quán cà phê được hoạt động trở lại thì tiệm may cũng sẽ tồn tại song song. Khách đến uống cà phê có thể ngắm, tham quan hoặc mua tuỳ thích...
Làm những thứ mới để "sống chung với lũ", đồng thời không ngừng thay đổi để có thể đón khách sau dịch
Nhắc đến khu tổ hợp Still ở Đà Lạt, có lẽ rất nhiều khách du lịch sẽ biết bởi nơi này là một trong những địa điểm cà phê, vui chơi, chụp ảnh check in hot nhất nhì ở xứ sở mù sương này. Qua rất nhiều năm hoạt động, Still vẫn không ngừng thay đổi diện mạo để du khách đến đây có thêm những góc chụp ảnh mới, những trải nghiệm mới. Và trong thời gian dịch bệnh thế này, Still vẫn tranh thủ lúc ít khách để có thời gian chăm chút cho không gian của mình.
Bên cạnh đó, "sống chung với lũ" cũng là phương châm mà những người chủ của khu tổ hợp này lựa chọn. Đại diện của Still cho biết: "Hiện tại, thành phố đang có chỉ thị ngưng các hoạt động ăn uống tại chỗ và chỉ cho bán mang về, take away và delivery, do đó khá nhiều quán cà phê trước đây phục vụ cho khách du lịch cũng bắt đầu chuyển mình, cho ra các sản phẩm mới hoặc giảm giá để phục vụ đối tượng khách địa phương. Still vốn phục vụ đối tượng khách du lịch chiếm tới hơn 90%, thế nhưng khi dịch bệnh bùng phát thì chúng mình nghĩ rằng buộc phải thay đổi hoặc là "chết". Thế nên Still vẫn tiếp tục cho ra sản phẩm mới dù đang giữa mùa dịch".
Điều mới mẻ mà Still mang đến chính là một quầy trà sữa nho nhỏ mang tên Tick Tea nằm ngay mặt đường, dễ dàng bán cho khách mang đi. Trong một khoảng thời gian ngắn, các thành viên đã thực hiện rất nhanh từ việc nghiên cứu sản phẩm, xây dựng quy trình delivery qua các ứng dụng, thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, cửa hàng take away trong thời gian ngắn nhất nhưng vẫn đảm bảo chất lượng... Và thật mừng là bước đầu, sản phẩm mới này đã được những người dân địa phương đón nhận.
Giảm "sốc", giảm "sâu" để thu hút khách
Chung số phận với nhiều hàng quán ở Đà Lạt, doanh thu của The Married Beans sụt giảm khá nhiều, tới 90% vào thời điểm tháng 6, tháng 7 so với tháng 4. Số lượng nhân viên, cách chia ca làm việc cũng đã được sắp xếp lại để giảm thiểu chi phí chung nhưng vẫn không gây ảnh hưởng quá nhiều đến thu nhập của mọi người.
Đặc biệt, để có thể "sống sót" qua mùa dịch, The Married Beans đã áp dụng rất nhiều phương án có thể. Cụ thể và rõ ràng nhất chính là việc giảm giá khi bán mang về qua các ứng dụng giao hàng. Mức giá từng sản phẩm có thể giảm 30% - 40% so với trước đây.
Cùng với đó, The Married Beans cũng đầu tư khá nhiều công sức trong việc sắp xếp lịch trình, thời gian giao hàng cho khách cũng như việc đưa ra các sản phẩm phù hợp trong từng khoảng thời gian khác nhau. Điển hình như giãn cách hay với những ai thực hiện cách ly thì sẽ có dòng sản phẩm cà phê cold brew pha sẵn đóng chai dùng được trong 2 - 3 ngày, sản phẩm cà phê thủ công đi kèm hướng dẫn pha tại nhà mà vẫn đảm bảo hương vị...
Giảm giá và tặng quà cho khách hàng là chuyện không thể thiếu
Trải qua những đợt dịch liên tục, các hàng quán ở Đà Lạt cũng bắt đầu linh hoạt hơn trong việc chuyển đổi hình thức bán hàng. Từ những địa điểm ngồi chill, tạo ấn tượng với khách bằng không gian thì giờ đây, nhiều hàng quán đã dần chuyển đổi sang hình thức bán mang về, bán qua các ứng dụng giao hàng... Cùng với đó, chuyện giảm giá là một phương án vô cùng hữu hiệu để thu hút khách hàng.
Mơi Craftbeer là một trong những hàng quán Đà Lạt lựa chọn cách làm này. Theo chia sẻ của đại diện quán, ở thời điểm này, lượng khách đã giảm tới 70%, thậm chí là 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, Mơi Craftbeer phải đối mặt với nhiều vấn đề, điển hình nhất là mặt bằng ở ngay trung tâm nên chi phí cao hơn. Thế nên cùng với việc tạm cắt giảm nhân viên, quán cũng đầu tư nhiều hơn vào việc giảm giá sản phẩm, ưu đãi quà tặng...
Bán đồ mang về là lựa chọn tối ưu nhất lúc này
Là một trong những mô hình rất đặc biệt, Béba thu hút khách bởi không gian trải nghiệm ở không gian rộng rãi có thể ngắm thung lũng hay săn mây, gắn liền với chiếc xe van. Đây được xem là điểm ấn tượng của quán cà phê này, cũng là điều khiến Béba thu hút khách du lịch bởi hàng loạt trải nghiệm như cắm trại, ngắm hoàng hôn, tự pha cà phê... Vậy nhưng trước những khó khăn của mùa dịch, Béba cũng đã phải "chuyển mình".
Lượng khách giảm 50%, có lúc giảm tới 90%, dù may mắn hơn bởi chi phí mặt bằng không quá lớn so với các hàng quán khác nhưng Béba vẫn quyết định thay đổi để "sinh tồn". Cùng với việc không thuê nhân viên để giảm thiểu chi phí, Béba tăng cường bán hàng dưới hình thức giao tận nơi, tăng cường nhận diện thương hiệu thông qua bao bì, nhãn mác, đảm bảo sự ổn định về chất lượng sản phẩm...
Trước tình hình hiện nay, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng các hàng quán Đà Lạt đều đang gồng mình vượt qua. Tất cả đều mong dịch bệnh sớm qua đi để có thể tiếp tục đón khách du lịch đến với mảnh đất cao nguyên thơ mộng này.
Ảnh: Tổng hợp