Theo số liệu Thống kê từ năm 2005 đến 2019 về các thành phần kinh tế trong GDP, thành phần chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP chính là kinh tế cá thể, giá trị tăng thêm của thành phần kinh tế này luôn chiếm trên dưới 30% GDP.
Trong khi đó, kinh tế Nhà nước ở đây bao gồm giá trị gia tăng của các doanh nghiệp Nhà nước và chi trả lương, thưởng trong chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước đối với các hoạt động quản lý Nhà nước và các hoạt động sự nghiệp.
Đáng lưu ý là giá trị tăng thêm của hoạt động của đảng và đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, quản lý Nhà nước, an ninh quốc phòng, đảm bảo xã hội bắt buộc chiếm trong kinh tế Nhà nước tăng từ 5,7% năm 2005 lên 10,1% năm 2019.
Tuy tổng kinh tế Nhà nước giảm từ 38% năm 2005 xuống 27,1% năm 2019 nhưng những khoản chi từ ngân sách cho các hoạt động quản lý Nhà nước lại tăng khá "ấn tượng". Những khoản này làm tăng GDP thực chất không nhiều ý nghĩa, nó chỉ khiến tăng bội chi và tăng nợ công.
Trong khi đó, giá trị gia tăng của khu vực kinh tế tư nhân (các doanh nghiệp Việt Nam) vẫn đóng góp vào GDP chưa vượt quá 10% GDP suốt gần 15 năm qua. Năm 2005 giá trị gia tăng của khu vực này đóng góp vào GDP là 8,5% đến năm 2019 đóng góp về giá trị gia tăng của khu vực này vào GDP tăng lên gần 1,2 điểm phần trăm khoảng 9,7% GDP.
Như vậy có thể thấy với đà này thì cấu trúc sở hữu trong GDP đến 2030 cũng không có sự thay đổi đột biến gì.
Nói vậy để thấy nền kinh tế tăng trưởng không âm mà nhất định phải tăng trưởng dương, mặc dù dịch Covid-19 đang hoành hành và diễn biến phức tạp.
Để tăng trưởng dương, nhìn vào dữ liệu thống kê trên, GDP Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào khu vực cá thể, bao gồm các hộ kinh doanh cá thể, xe ôm, những người bán hàng rong…
Trong suốt hơn 16 năm qua khu vực kinh tế cá thể đã có những đóng góp rất quan trọng để tạo nên GDP của đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, đây lại chính là khu vực dễ bị tổn thương nhất và cần chú ý nhất.
Dữ liệu thống kê ở trên cho thấy, dù có xu hướng giảm dần những năm gần đây, nhưng khu vực kinh tế cá thể vẫn giữ tỷ trọng lớn nhất và ổn định trong các cấu phần của kinh tế ngoài Nhà nước.
Do đó, trước đại dịch Covid-19, khu vực kinh tế cá thể tại Việt Nam cần được nhìn nhận rõ vai trò và giá trị đóng góp quan trọng của họ. Và đây cũng là điểm xuất phát để khi xem xét hoạch định các chính sách hỗ trợ, kích cầu, hay ít nhất là về định hình góc nhìn nào đó trong xã hội.