Trong một nền kinh tế phát triển với thu nhập bình quân đầu người gia tăng, nhu cầu chăm sóc, hoàn thiện bản thân của con người cũng được nâng cấp tương ứng. Chúng ta đã nghe nhiều về nền công nghiệp làm đẹp tỷ USD tại Hàn Quốc, Nhật Bản… nơi các thương hiệu mỹ phẩm đổ bộ để khai thác nhu cầu cực lớn và ngày càng đa dạng, đa phong cách. Tại Việt Nam, cuộc cách mạng ấy đang bắt đầu trỗi dậy, giới quan sát ghi nhận, thị trường mỹ phẩm nước ta đạt giá trị 2,35 tỷ USD trong năm 2018.
Chưa kể, với sự phát triển của mạng lưới Internet, sắp tới là cách mạng 4.0, đang hỗ trợ khách hàng bắt kịp xu hướng làm đẹp từ thế giới một cách nhanh chóng.
Thực hiện một phép so sánh, nếu ngày xưa một "mốt" mới trên thế giới muốn về đến cộng đồng Việt Nam phải thông qua tạp chí (định kỳ hàng tháng), hoặc giới nghệ sĩ tự thân mang về trong những show trình diễn - điều này mất đâu đó khoảng vài tháng, thậm chí cả năm. Thì ngày nay, sự phổ biến của mạng xã hội đã rút ngắn thời gian, chỉ còn gói gọn trong vài ngày, thậm chí vài giờ, vài phút.
Điều này thúc đẩy thị trường tăng trưởng, chưa kể, một khi hạ tầng giao thông phát triển (tàu điện ngầm) thì nhu cầu trang điểm mỗi ngày của người Việt sẽ gia tăng, tương tự các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc…
"May mắn vẫn sống sót!"
Thực tế, tiềm năng này lại đang được khai thác bởi các thương hiệu ngoại (gần 90% thị trường), với lợi thế có nền tảng tồn tại rất lâu, bề dày kinh nghiệm và đặc biệt là mang một tiêu chuẩn chất lượng khá tốt. Mạnh vốn và kênh phân phối toàn cầu, tay chơi ngoại còn "ăn đứt" đối thủ ở khâu marketing, nhận dạng thương hiệu.
Mặc dù vậy, không phải chiến lược marketing mạnh sẽ chiến thắng, vì "insight" thực sự của khách hàng phải chính người Việt mới hiểu được, đây là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước. Từng manh nha ý tưởng sau khi nghe được tâm sự của nhiều bạn trẻ muốn có một thương hiệu mỹ phẩm thực sự phù hợp với làn da cũng như khí hậu Việt Nam, sau đó kết hợp và sử dụng hình ảnh Hồ Ngọc Hà để ra mắt M.O.I Comestic, CEO Lâm Thành Kim đúc kết: "Thương hiệu nội địa nếu quá dễ dãi với tiêu chuẩn sản phẩm sẽ không có vị thế, thậm chí không tồn tại được trên thị trường khi sức cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu quá lớn".
Xuất thân trong ngành truyền thông, tiếp xúc với người tiêu dùng nhiều, M.O.I Comestic do đó hiểu được "insight" của khách hàng. "Điều này đến nay nhiều hãng ngoại có thể chưa làm được, vì có những vấn đề chỉ nhận định được bề ngoài, nhưng càng đi sâu thì chưa chắc đúng với cái nhìn ban đầu", đại diện M.O.I Comestic chia sẻ. Đơn cử, bán hàng online thì hình ảnh phải thể hiện tính thực tế cao, vì tâm lý người Việt thấy một hình ảnh quá đẹp, chỉnh chu sẽ đa nghi.
Song, hãng sống sót đến nay theo CEO là một điều may mắn, và đó là kết quả của quá trình vừa làm vừa cải tiến thay đổi, bởi nhất nhất như ban đầu sẽ không thành công: "Nếu bạn không đổi mới mỗi ngày thì hôm nay bạn khác biệt, ngay ngày mai đã có hàng ngàn người giống bạn!".
Thời buổi công nghệ thì sản phẩm phải tốt, khác biệt ở câu chuyện marketing
Khởi điểm tương tự Kylie Jenner (startup mỹ phẩm tận dụng sức mạnh của mạng xã hội và hình ảnh cá nhân), M.O.I ra mắt dòng son Hongocha’s Secret, sau đó cải tiến lên bộ trang điểm cơ bản phấn và má hồng với câu chuyện Love Story (M.O.I đã ra mắt 4 dòng sản phẩm).
Không phủ nhận mối quan hệ là mấu chốt làm nên sự thành công của hãng, nhưng M.O.I vẫn phải cân bằng giữa tính cảm xúc và kinh doanh để tồn tại. Sau một vài dự án chưa đạt như mong đợi trước đó, CEO Lâm Thành Kim phân trần đến nay rút ra được bài học phải thực tế, tức hiểu đúng khách hàng muốn gì và chú tâm đáp ứng.
Trong lần ra mắt mới, M.O.I kết hợp hình ảnh Hương Giang Idol để truyền tải 7 cá tính đến người tiêu dùng, trải dài cho phân khúc mục tiêu 16-40 tuổi. Không dừng lại ở hình ảnh người nổi tiếng, sản phẩm chỉ thành công khi có một thông điệp truyền tải để khách hàng có thể tìm thấy một cá tính, hình ảnh mong muốn.
"Thời buổi công nghệ phát triển thì tất cả sản phẩm đều phải tốt, nếu không sẽ bị đào thải", đại diện hãng nhấn mạnh, thành công chăng là câu chuyện người bán "thổi" được vào sản phẩm, bởi xu thế hiện này là làm đẹp trên nền tảng của chính mình chứ không còn để trở thành một người khác.
Chia sẻ thêm về M.O.I Comestic, tính đến nay doanh thu hãng đâu đó đạt hơn 40 tỷ đồng, tức còn 1/3 chặng đường để hoàn thành mục tiêu tăng gấp đôi doanh số sau hơn 1 năm hoạt động.
Quý cuối năm theo đó sẽ là giai đoạn tăng tốc, hiện hãng đã tạo được sản phẩm cơ bản là son môi với 2 dòng được đón nhận bởi thi trường, do đó dự kiến tháng 11-12 sẽ ra mắt dòng sản phẩm trang điểm khác kết hợp với những tác dụng khác như chống nắng, dưỡng trắng phù hợp thị hiếu người tiêu dùng Việt.
Hiện, M.O.I vẫn chọn đặt sản xuất bên ngoài, cụ thể đặt nhà máy ở Hàn Quốc với lợi thế về công nghệ, đồng thời tiết kiệm được thời gian chi phí vận chuyển, thử nghiệm…