Theo ông Phong, năm 2017, qua văn bản thông báo hoặc từ website của các cơ quan thẩm quyền các nước nhập khẩu, có 50 lô hàng thủy sản khai thác xuất khẩu của Việt Nam bị các thị trường cảnh báo không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP). Các thị trường cảnh báo là EU (35 lô), Nhật Bản (4 lô) và Liên minh kinh tế Châu Âu (11 lô).
Chỉ tiêu vi phạm chủ yếu là kim loại nặng (Cd, Hg), Histamin, vi sinh vật như TPC, Coliforms. Ngoài ra, một số lô hàng không đảm bảo quy định, như bao bì rách, ghi nhãn sai, chiếu xạ không được phép..
"Như vậy, trong năm 2017, số lô hàng thủy sản Việt Nam bị Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo, phát hiện chất ô nhiễm (kim loại nặng như thủy ngân, cadmium) vượt mức giới hạn tối đa cho phép đã gia tăng đột biến, đặc biệt là EU tăng gấp 2 lần so với năm 2016, tăng gấp 6 lần so với năm 2015" - ông Phong nói.
Theo ông Phong, kết quả báo cáo điều tra của các doanh nghiệp cho thấy, nguyên nhân chủ yếu là do cá thể kích cỡ lớn nhiễm kim loại nặng. Biện pháp kiểm soát chủ yếu của các doanh nghiệp là tăng cường lấy mẫu nguyên liệu nhập về nhà máy để kiểm kim loại nặng; kiểm soát size, cỡ cá khi tiếp nhận nhà máy.
Ngày 23.10.2017, thủy sản khai thác của Việt Nam bị Tổng vụ Sức khỏe và an toàn thực phẩm DG-MARE (Liên minh châu Âu EU) rút thẻ vàng.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Vasep cho rằng, việc này ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu, nếu bị chuyển sang thẻ đỏ sẽ bị cấm xuất khẩu hải sản sang thị trường EU (với kim ngạch 400 triệu - 450 triệu USD/năm). Đó là chưa kể, chương trình giám sát thủy sản xuất khẩu (Simp) của Mỹ áp dụng cho 13 loài (bào ngư, cá tuyết Đại Tây Dương, ghẹ xanh Đại tây Dương, cá hồng, hải sâm, các loài cá nhám, cá ngừ mắt to, cá ngừ vằn, cá ngừ vây vàng và vây xanh...). Đặc biệt năm 2019, chương trình này sẽ áp dụng cho tôm. Từ đây, con tôm Việt Nam sẽ chịu nhiều thách thức, rủi ro lớn.