Hàng nghìn người trên khắp châu Âu đã buộc phải rời bỏ nhà cửa để di tản trong khi các đợt cháy rừng tàn khốc bùng phát do nhiệt độ tăng cao thiêu rụi các vạt rừng và đe dọa tới nơi sinh sống của người dân.
Cháy rừng đã tàn phá hàng nghìn hecta rừng gần Bordeaux, vùng sản xuất rượu vang Gironde của Pháp, cũng như miền Nam, miền Tây của Tây Ban Nha và hoành hành cả ở Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Croatia, Hy Lạp.
Theo Viện Y học Carlos III (Tây Ban Nha), đã có 360 người tử vong do các nguyên nhân liên quan tới nhiệt độ cao ở Tây Ban Nha từ 10-15/7. Chỉ trong ngày 15/7, khi nhiệt độ tại một vài nơi ở Tây Ban Nha lên đến 45 độ C, 123 người đã thiệt mạng với nhiều nguyên do liên quan tới tình trạng nắng nóng cực đoan.
Trong khi đó, nước láng giềng Bồ Đào Nha ghi nhận 238 ca tử vong có liên quan tới nắng nóng cực đoan trong giai đoạn 7-13/7 - phần lớn các nạn nhân có bệnh nền hoặc cao tuổi.
Theo cảnh báo của các nhà khoa học, nhiều khả năng châu Âu đang phải đối mặt với đợt sóng nhiệt tồi tệ nhất trong hơn 2 thế kỷ - hiện tượng châm ngòi cho các đợt cháy rừng tàn khốc trong khi nhiệt độ tiếp tục gia tăng ở mức kỷ lục tại nhiều khu vực khác của châu lục.
Trực thăng làm nhiệm vụ khống chế cháy rừng ở Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters
Trong tuần qua, hơn 14.000 người ở Pháp - gồm cả cư dân và khách du lịch - đã buộc phải di tản. Pháp đã gấp rút thiết lập 7 trung tâm trú ẩn khẩn cấp để đối phó với tình huống này.
Cơ quan khí tượng Pháp Météo France công bố mức nhiệt lên tới 41 độ C ở nhiều vùng tại miền Nam đất nước và dự báo về các mức nhiệt kỷ lục mới trong đầu tuần này.
Giới chức khu vực dãy Alps đã hối thúc người leo núi hoãn các hành trình tới Mont Blanc, dãy núi cao nhất châu Âu vì có nhiều vụ đá lở do "tình trạng khí hậu bất thường" và hạn hán.
Mới đây, cơ quan khí tượng quốc gia Anh (Met Office) đã lần đầu tiên phát cảnh báo đỏ về nắng nóng cực đoan với khuyến cáo "nguy hiểm tới tính mạng" và khẳng định đây là tình trạng vô cùng nghiêm trọng. Theo đơn vị này, nhiệt độ tại miền Nam nước Anh có thể sẽ vượt quá mốc 40 độ C lần đầu tiên trong hôm nay, hoặc ngày mai.
Cơ quan An ninh Y tế Anh cũng đã ban hành cảnh báo liên quan tới nắng nóng mức 4. Đây là mức cảnh báo được sử dụng khi sóng nhiệt gay gắt và kéo dài có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của cả những nhóm người khỏe mạnh, chứ không chỉ ở các nhóm nguy cơ cao.
Người dân London được khuyến cáo không sử dụng các mạng lưới vận tải của thành phố trừ khi cần thiết. Một số trường học đã tuyên bố sẽ đóng cửa trong tuần tới.
Đây là đợt sóng nhiệt thứ hai hoành hành ở các khu vực Tây Âu chỉ trong vài tuần. Các nhà khoa học cho rằng phần nào nguyên nhân là do biến đổi khí hậu, đồng thời dự đoán sẽ còn nhiều giai đoạn thời tiết cực đoan gay gắt và thường xuyên hơn.
Tạp chí New Scientist (Anh) nhận định, nếu không tồn tại tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra thì khả năng nhiệt độ ở Anh lên đến 40 độ C vô cùng nhỏ - sự kiện có thể ví là "nghìn năm có một". Tuy nhiên, nghiên cứu của Met Office cho thấy, khí nhà kính thải ra từ các nhà máy, ô tô và nhiều hoạt động khác đã khiến tần suất bị gia tăng - lên mức trăm năm một lần.
Bà Friederike Otto, nhà khoa học dẫn dắt sáng kiến World Weather Attribution, một nỗ lực toàn cầu về biến đổi khí hậu, cho rằng: Biến đổi khí hậu đang thúc đẩy tình trạng sóng nhiệt ở châu Âu - cũng như tại nhiều khu vực khác.
"Những đợt sóng nhiệt vốn hiếm xảy ra, giờ lại phổ biến; những đợt sóng nhiệt từng là không thể có, nay lại diễn ra và khiến nhiều người tử vong", bà Otto nhấn mạnh, "Sóng nhiệt sẽ còn trở nên tồi tệ hơn cho tới khi ngừng được tình trạng phát thải khí nhà kính".