Bình quân mỗi năm, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cấp 15.000 sổ, tuy nhiên số lượng chưa được cấp vẫn còn rất lớn. Nguyên nhân phần lớn là do chủ đầu tư sai phạm trong quá trình xây dựng, chuyển đổi công năng sai mục đích ban đầu của dự án.
Mới đây, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý các sai phạm để đẩy nhanh quá trình cấp sổ cho cư dân.
Nhiều hộ dân không được cấp sổ vì sai phạm của chủ đầu tư
Mới đây, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo, các các sở ngành, đơn vị liên quan phải tiến hành rà soát và xử lý dứt điểm các vi phạm của chủ đầu tư, để từ đó làm cơ sở nhanh chóng cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà trên địa bàn.
Chỉ đạo này xuất phát từ thực trạng đã diễn ra nhiều năm qua, khi người dân mua chung cư vào ở ổn định, nhưng mãi không được cấp sổ hồng .
Ví dụ như tại chung cư Rivera Park, quận 10, cư dân vào ở từ năm 2017, nhưng đến nay vẫn chưa có sổ hồng. Cư dân ở đây cho biết chủ đầu tư đã chuyển đổi hoàn toàn công năng của tầng 1, 2, 3 từ khu thương mại dịch vụ trở thành văn phòng cho thuê, sai với giấy phép xây dựng và chưa được sự đồng thuận của cư dân.
Theo thống kê từ Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh, đến nay, hơn 60 dự án từ 17 chủ đầu tư trên địa bàn vì nhiều lý do vẫn chưa làm được thủ tục cấp sổ hồng cho cư dân. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Hệ quả, chung cư đến nay vẫn chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, do đó cư dân không được cấp sổ hồng dù đã vào ở ổn định.
Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cũng chỉ ra các sai phạm của chủ đầu tư, trong đó có việc thay đổi công năng, không đúng theo giấy phép xây dựng đã được cấp. Ngoài ra, công an quận 10 đã có quyết định đình chỉ hoạt động khu vực văn phòng cho thuê, tuy nhiên đến nay, khu vực này vẫn ngang nhiên hoạt động.
"Chúng tôi mua một căn nhà bằng tiền hợp pháp của mình. Chúng tôi mong muốn một cuộc sống an lành, hợp pháp, nhưng thực sự chúng tôi là những người sống bất hợp pháp vì không có giấy tờ gì chứng minh chúng tôi được sở hữu căn hộ mình đang ở", bà Đỗ Thị Quỳnh Mai, cư dân chung cư Rivera Park, quận 10, chia sẻ.
"Chúng tôi nhận được rất nhiều văn bản, mỗi lần hứa là 6 tháng. 6 tháng sau họ lại ra một văn bản khác cùng với nội dung như trước. Mấu chốt là chủ đầu tư có những sai phạm dẫn đến họ không giải quyết được với các cơ quan ban ngành và kéo dài đến thời điểm này nên cư dân chúng tôi là người thiệt hại nhất", ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban quản trị chung cư Rivera Park, quận 10, TP Hồ Chí Minh, cho hay.
TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh cấp sổ hồng cho cư dân
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh chỉ ra có 2 nhóm nguyên nhân lớn dẫn đến chậm cấp sổ cho người dân: Thứ nhất là sai phạm của chủ đầu tư trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án như chuyển đổi công năng sai mục đích ban đầu, không hoàn thiện các hạ tầng tiện ích; Thứ hai là có phát sinh nghĩa vụ tài chính khi tính tiền sử dụng đất phải nộp bổ sung do các thay đổi như chỉ tiêu quy hoạch khi thực hiện dự án.
Mới đây, Sở Tài Nguyên và Môi trường thành phố cho biết sẽ phối hợp với Sở xây dựng, cơ quan thuế để giải quyết triệt để tình trạng này.
Đối với nhóm nguyên nhân do sai phạm từ phía chủ đầu tư, đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh chỉ ra các vi phạm phổ biến như: thay đổi thiết kế so với giấy phép xây dựng, không hoàn chỉnh toàn bộ hạ tầng đối với dự án nhà ở như đường giao thông, công viên, các công trình công cộng…
Việc cấp sổ nhanh hay chậm trong trường hợp này phụ thuộc phần lớn tiến độ khắc phục sai phạm từ phía chủ đầu tư. Tuy nhiên, sắp tới, việc xử lý vi phạm sẽ mạnh tay hơn.
"Chủ đầu tư sẽ bị xử lý hành vi này và số tiền tương đối lớn. Thứ hai, trong chỉ đạo của thành phố là ở địa bàn nào, khu vực nào, đầu tiên cần thanh tra địa bàn về xây dựng chuyên ngành, phải giám sát chặt chẽ việc này để tránh trường hợp sai dẫn đến việc đó kéo dài", ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Nguyễn Toàn Thắng cũng thừa nhận liên quan đến trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc tính toán nghĩa vụ tài chính phát sinh do chủ đầu tư điều chỉnh một số chức năng, chỉ tiêu quy hoạch trong quá trình thực hiện dự án.
"Các dự án phải điều chỉnh chỉ tiêu cũng là lớn nên trong chỉ đạo của thành phố giao cho ngành tài nguyên môi trường. Đối với các trường hợp điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch phát sinh nghĩa vụ tài chính thì phải tính nhanh để xác định và đề nghị chủ đầu tư đóng tiền, cấp giấy", ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, cho hay.
Ông Thắng cũng cho biết, mục tiêu từ nay đến cuối năm 2023, sẽ giải quyết cấp giấy chứng nhận cho hơn 37.000 căn nhà đã đủ điều kiện; đồng thời tháo gỡ những dự án còn vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận cho người mua cho các loại hình bất động sản mới như shophouse, officetel…
Cần chế tài xử lý mạnh hơn với các chủ đầu tư sai phạm
Tuy nhiên có thể thấy, việc xử lý khắc phục trách nhiệm của các sai phạm từ phía chủ đầu tư vẫn còn nan giải trong thời gian qua, bằng chứng là có những chung cư gần chục năm cư dân vào ở vẫn chưa có sổ do chủ đầu tư chây ỳ xử lý.
Theo các chuyên gia, bên cạnh các xử lý hành chính, chính quyền cần mạnh tay hơn với các chế tài xử lý đối với các chủ đầu tư sai phạm.
Số lượng lớn sổ hồng chưa được cấp chủ yếu do chủ đầu tư sai phạm trong quá trình xây dựng, chuyển đổi công năng sai mục đích ban đầu của dự án. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
TS. Sử Ngọc Khương phân tích, thông thường để vào dọn vào ở, chung cư đi vào vận hành, người mua nhà đã phải đóng xong 95% giá trị căn hộ. 5% còn lại đóng khi chủ đầu tư làm xong sổ hồng. Khoản tiền còn lại đối với một số chủ đầu tư không đủ động lực để họ tiếp tục đẩy nhanh việc lấy sổ cho cư dân.
"Ở góc độ kinh tế, các nhà phát triển bất động sản họ thu 95% thì xem như họ đã thắng. Như vậy ở đây, chúng ta cần có những chế tài cụ thể hơn bằng biện pháp về kinh tế, chứ còn như phạt hành chính, lập biên bản, thì tôi nghĩ không giải quyết được", TS. Sử Ngọc Khương, chuyên gia kinh tế bất động sản, nhận định.
Ngoài ra, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, Nhà nước nên tách việc xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư sai phạm riêng với việc cấp sổ cho cư dân.
"Chủ đầu tư tự ý hoán cải công năng, thuộc phần sở hữu chung trở thành ra diện tích kinh doanh. Chúng tôi thấy không liên quan đến khách hàng, trong trường hợp này cũng nên tách ra để cấp sổ hồng cho khách hàng, còn Nhà nước xử lý và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm đối với sai phạm của mình", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh, nói.
Theo thống kê từ Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh, đến nay, hơn 60 dự án từ 17 chủ đầu tư trên địa bàn vì nhiều lý do vẫn chưa làm được thủ tục cấp sổ hồng cho cư dân, trong đó việc chưa tính được tiền sử dụng đất, hay nghĩa vụ tài chính phát sinh cũng khiến nhiều doanh nghiệp chưa thể thực hiện thủ tục cấp sổ cho cư dân. Do đó, ông Châu kiến nghị Nhà nước bên cạnh các giải pháp xử lý, cũng cần nhanh chóng gỡ các vướng mắc trong việc tính toán nghĩa vụ tài chính trong thực hiện dự án cho các doanh nghiệp trên địa bàn.