Cụ thể, địa bàn huyện miền núi A Lưới có diện tích lúa bị khô cháy lớn nhất với 81 ha, tập trung tại các xã Hồng Quảng 22ha, A Ngo 15ha, Phú Vinh 4ha, Sơn Thủy 40ha; huyện Nam Đông 30 ha tập trung ở các xã Hương Hòa 17ha, Hương Hữu 8ha, Thượng Long 2ha, Thượng Quảng 2ha, Thượng Nhật 2 ha; Huyện Phú Vang có 50 ha lúa bị khô cháy tập trung ở Phú Đa.
Theo ông Hùng, thời gian qua ở tỉnh Thừa Thiên- Huế xuất hiện hiện tượng El Nino hoạt động mạnh nên lượng mưa và dòng chảy bị thiếu hụt, dung tích trữ nước tại các hồ thủy lợi, thủy điện đang ở mức thấp. Trong khi đó diện tích lúa ở các địa phương kể trên chỉ dựa vào nguồn nước tự nhiên bởi hệ thống thủy lợi chưa được xây dựng.
Nhiều diện tích lúa ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên- Huế chết cháy do khô hạn, thiếu nước tưới tiêu.
Dự báo đến cuối vụ Đông Xuân 2018-2019, toàn tỉnh Thừa Thiên- Huế sẽ có hơn 700 ha lúa bị khô hạn. Đây là những diện tích lúa tập trung ở vùng cuối kênh tưới, diện tích lúa nằm ở các hồ đập thủy lợi có dung tích nhỏ, ở vùng gò đồi, vùng cát ven biển thuộc các huyện, thị xã như Nam Đông, A Lưới, Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc.
Nếu hạn hán kéo dài, Thừa Thiên- Huế sẽ có hơn 3.000 ha lúa bị khô hạn trong vụ Hè Thu năm nay. |
|
“Đến vụ Hè Thu năm nay, nếu thời tiết diễn biến như dự báo thì toàn tỉnh sẽ có hơn 3.000 ha lúa tập trung ở vùng không có công trình thủy lợi, không chủ động được nguồn nước tưới tiêu dẫn đến bị khô hạn”, ông Hùng cho hay.
Để giải quyết tình trạng khô hạn trước mắt, Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên- Huế đã yêu cầu Công ty TNHH NNMTV QLKT công trình thủy lợi tỉnh phối hợp với các địa phương lắp đặt các máy bơm dầu, bơm điện để bơm chuyền nước từ các hồ đập thủy lợi đến các diện tích lúa thiếu nước.