Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắt thép các loại trong tháng 3 đạt hơn 1 triệu tấn với trị giá hơn 642 triệu USD, tăng mạnh 21,8% về lượng và tăng 20% về trị giá so với tháng 2. Lũy kế trong quý 1 mặt hàng này đã thu về hơn 1,78 tỷ USD với hơn 2,7 triệu tấn, giảm 14,8% về lượng và giảm 25,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024.
Xét về thị trường, Việt Nam xuất khẩu sắt thép nhiều nhất sang Campuchia với hơn 370.000 tấn, trị giá hơn 211 triệu USD, tăng 31% về lượng và tăng 16% về trị giá so với năm trước. Giá bình quân 570 USD/tấn, giảm 12% so với cùng kỳ.
Mỹ đứng thứ 2 trong số các thị trường xuất khẩu của Việt Nam ở mặt hàng này với hơn 349.000 tấn, trị giá hơn 209 triệu USD, giảm 24% về lượng và giảm 47% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024. Giá giảm mạnh 30% so với năm trước, đạt bình quân 598 USD/tấn.
Đáng chú ý, mặt hàng sắt thép là một trong những mặt hàng sẽ không phải chịu thêm mức thuế đối ứng 46% từ Mỹ. Cụ thể, Với Việt Nam, mức thuế đối ứng Mỹ áp kể từ ngày 9/4 là 46% . Tuy nhiên, trong phần phụ lục II sắc lệnh điều chỉnh nhập khẩu bằng thuế quan đối ứng của Mỹ quy định một số hàng hóa không phải chịu thuế đối ứng .
Những mặt hàng này bao gồm:
- Tất cả các mặt hàng thuộc phạm vi điều chỉnh của sắc lệnh khác
- Các mặt hàng thép/nhôm và ô tô, phụ tùng ô tô đã chịu thuế theo quy định khác (trong đó, mặt hàng thép chỉ chịu thuế 25% và mặt hàng nhôm là 10% theo mục 232 từ năm 2018 đến nay).
- Tất cả các sản phẩm khác được liệt kê trong Phụ lục II của lệnh này, bao gồm đồng, dược phẩm, đồ gỗ, gỗ xẻ, chất bán dẫn, một số khoáng sản quan trọng, năng lượng và sản phẩm năng lượng không có sẵn tại Mỹ.
- Tất cả các mặt hàng có thể phải chịu thuế trong tương lai.
- Vàng thỏi.
Như vậy, các mặt hàng như ô tô, phụ tùng ô tô, vàng thỏi, nhôm, thép, đồng, gỗ xẻ, chất bán dẫn, dược phẩm...của tất các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam sẽ không phải chịu mức thuế nhập khẩu đối ứng mới của Mỹ.
Trong bối cảnh Mỹ áp thuế đối ứng , nhiều ý kiến lo ngại về việc ngành thép và nhôm Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng tác động là không đáng kể. Bởi trong tổng thể hoạt động xuất khẩu nhôm, thép, thị trường Mỹ chỉ chiếm 13%, đứng sau khu vực ASEAN và EU. Tỷ trọng xuất khẩu nhỏ, nên tác động sẽ là không lớn.
Các chuyên gia dự đoán sản lượng sản xuất và tiêu thụ thép năm 2025 dự báo đạt lần lượt 32,9 triệu tấn, tăng 12% và 32,5 triệu tấn, tăng 11% so với năm 2024 nhờ tăng trưởng giá trị xây dựng dân dụng và tồn kho ngành thấp. Tăng trưởng bán hàng nội địa và xuất khẩu là 14% và 3%. Giá bán sản phẩm thép nội địa dự báo tăng từ 5% – 8% trong năm 2025.