Mưa lớn đang gây ra đợt lũ lụt lịch sử ở trên sông Dương Tử và hàng trăm con sông khác ở Trung Quốc , khiến hơn 150 người thiệt mạng, gây áp lực lớn lên đập Tam Hiệp - đập thủy điện lớn nhất thế giới. Ít nhất 40 triệu người - tương đương tổng số dân của Brunei, Malaysia và Singapore cộng lại - sinh sống ở các vùng bị ảnh hưởng từ lũ lụt. Tình hình mưa lũ ở các nhánh sông Dương Tử và hơn 400 con sông nhỏ khác ở Trung Quốc đang cực kỳ nghiêm trọng.
Trong lúc đó, tại Nhật Bản, mùa mưa được cho là đã kết thúc vào ngày 20/7 ở vùng Amami ở phía tây nam. Lượng mưa trên cả nước đạt con số kỉ lục trong vòng 38 năm trở lại đây.
Các trận mưa lớn ở cả hai quốc gia dường như đều là kết quả của cùng một hiện tượng thời tiết. Một số chuyên gia cho biết bề mặt nóng hơn bình thường của biển ở Ấn Độ Dương kết hợp với gió mùa vào mùa xuân và mùa hè ở các khu vực đã tạo nên mưa lớn bất thường trong năm nay.
Theo Hisashi Nakamura, một giáo sư tại Đại học Tokyo, nhiệt độ cao đã tạo những luồng khí nóng lớn, làm tăng cường hoạt động đối lưu. Dòng không khí này bay về phía biển Philippines và hướng về phía dưới, cuối cùng bị chặn lại bởi những dòng khí hướng lên trên ở trong vùng, làm yếu hoạt động đối lưu.
Hiện tượng này đã tạo điều kiện cho các dòng khí tích tụ thêm nhiều hơi ẩm và gây ra lụt lội lớn trên khắp các khu vực. Khi đánh giá độ ẩm trong không khí, giáo sư Đại học Nagoya Kazuhisa Tsuboki đã xác định được hiện tượng "dòng sông khí quyển" - hay còn gọi là "sông trên trời".
Theo ông Tsuboki, một "con sông" dài 500km có thể tích tụ từ 500.000 tới 600.000 tấn hơi nước mỗi giây từ Ấn Độ Dương và Biển Đông trong khoảng thời gian hơn 10 ngày, gây ra những trận mưa giông lớn.
Ông Tsuboki cho biết tổng lượng nước bốc hơi "lớn gấp 3 lần lượng nước trong trận lũ lụt ở miền Tây Nhật Bản hồi năm 2018".
Điều này đã gây ra những cơn mưa lớn và dồn dập tại Nhật Bản. Tổng cộng 82 trận mưa vượt mức 50mm/1 giờ đã được ghi nhận trong 10 ngày đầu tháng 7, phá vỡ các kỉ lục trước đó.
Trong bối cảnh đó, cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc đều phải liên tục đề cao cảnh giác để đối phó với lũ lụt - bài viết trên Nikkei Asian Review khẳng định.
Hiện tượng sông khí quyển trên bầu trời California. Ảnh: Reuters
Trung Quốc có "truyền thống" mưa lũ vào mùa hè, tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng sự kết hợp giữa những yếu tố liên quan tới biến đổi khí hậu và hoạt động của con người đã gây ra những trận mưa lớn, kéo dài hơn bình thường ở một số vùng.
Song Lianchun, một nhà thiên văn học ở Trung tâm Khí hậu Quốc gia, nói: "Áp cao cận nhiệt đới ở vùng bắc Thái Bình Dương trong năm nay rất mạnh. Nó kết hợp với luồng không khí lạnh và liên tục gây mưa lớn ở vùng sông Dương Tử".
"Chúng ta không thể khẳng định rằng một hiện tượng thiên nhiên nào đó là kết quả trực tiếp của biến đổi khí hậu, nhưng xét trong khoảng thời gian dài, hiện tượng ấm lên toàn cầu đã dẫn tới sự gia tăng trong tần suất và mức độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan".
Từ năm 1961 tới năm 2018, số lượng mưa "cực lớn" ở Trung Quốc có chiều hướng gia tăng. Từ giữa những năm 1990 tới nay, tần suất mưa lớn đã tăng mạnh. Trong vòng 60 năm qua, số ngày mưa lớn đã tăng 3,9% sau mỗi chu kỳ 10 năm.
Ngoài mưa lớn, hoạt động của con người cũng có ảnh hưởng tới mức độ nghiêm trọng của mưa lũ ở Trung Quốc.
Fam Xiao, một nhà địa lý tại Sở Địa lý và Khoáng sản Tứ Xuyên, nói hoạt động lấn chiếm đất và xây đập ở các con sông lân cận đã làm giảm diện tích và sức chứa của hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc.