Theo chia sẻ của anh B – một tài xế có khoảng thời gian chạy taxi Vinasun 5 năm, hiện ngụ tại quận Thủ Đức - bản thân anh mong rằng những tài xế taxi truyền thống như mình được đối xử công bằng hơn.
Anh B cho hay, trước khi hình thức Grab Car ra đời, thu nhập của anh cũng như của các đồng nghiệp khác sụt giảm, đời sống cũng khó khăn hơn.
“Trước tôi chạy mỗi ngày có hôm lên đến 3 triệu đồng, trừ đi khoản ăn chia với công ty cũng đủ sức nuôi vợ và 3 con nhỏ.
Sáng nay, hàng trăm tài xế của hãng Vinasun lại tập trung trước sân tòa để theo dõi vụ kiện của Cty mình với đôi thủ. Ảnh: T.S
Nhưng từ khi Grab Car xuất hiện đến nay, thu nhập của tôi mỗi ngày chừng độ vài trăm nghìn, áp lực cuộc sống nặng nề hơn. Tôi chỉ mong Vinasun được đối xử công bằng hơn để cả Vinasun cũng như Grab Car được cùng tồn tại chứ chẳng ghét bỏ gì công ty đó và vì cũng có nhiều tài xế truyền thống chuyển sang lái xe công nghệ” – anh B thổ lộ.
Đi cùng anh B là hơn 100 đồng nghiệp khác. Họ mặc đồng phục của hãng và có mặt từ khá sớm. Khi chúng tôi hỏi anh B thì sao chỉ thấy người của Vinasun mà không có ai là tài xế của Grab, anh B cười và nói “có lẽ có đấy chứ nhưng mình không biết thôi”.
Đúng 8h20', phiên tòa xử vụ kiện giữa Vinasun và Grab được bắt đầu trở lại. Trong căn phòng xử án chật hẹp, hơn chục luật sư và những người có liên quan ngồi xúm xít với nhau trên những chiếc ghế đen.
Trước đó, vài ngày 19.10, khi tất cả đều tin rằng TAND TPHCM sẽ tuyên án vụ kiện này vì trước đó VKSND TPHCM đã nêu quan điểm đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên Grab bồi thường cho Vinasun số tiền hơn 41 tỉ đồng.
Tuy nhiên, cho rằng việc đại diện Cty thẩm định không xuất hiện cộng với việc nhận định một số căn cứ mà Cty này đưa ra để kết luận số tiền thiệt hại của Vinasun là chưa vững chắc nên chủ tọa phiên tòa đã tuyên hoãn vụ án.