Ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thời tiết khiến hàng trăm tấn mận của bà con các xã của thành phố Sơn La phải đổ bỏ. Nhiều người trồng mận cho biết đang đối mặt với nhiều khó khăn khi mất đi nguồn thu nhập chính của gia đình.
Chị Tòng Thị Hoàn (xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La) cho biết gia đình mình có 1,5 ha diện tích trồng xen canh giữa mận tam hoa và mận hậu ước tính sản lượng thu hoạch năm nay vào khoảng 10 tấn. Chị chia sẻ vườn mận của gia đình hàng năm thu được khoảng 70 triệu đồng.
Chị tươi cho biết những gốc mận tam hoa của gia đình chín đỏ nhưng không có người mua |
Hiện giống mận tam hoa đang trong giai đoạn thu hoạch, nhưng năm nay do điều kiện thời tiết không thuận lợi nên quả mận bé. Cùng với đó, vụ thu hoạch trùng với thời điểm thực hiện cách ly xã hội, phòng chống dịch Covid-19 khiến hoạt động vận tải, nhất là các tuyến xe khách đi các huyện, các tỉnh trong cả nước phải tạm dừng, việc tiêu thụ mận gặp rất nhiều khó khăn.
Năm nay gia đình chị chưa thu nổi được 2 triệu đồng do giá bán mận tam hoa chỉ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Thương lái vào bản mua cũng rất ít, chỉ nhập 500kg đến 1 tấn mỗi chuyến hàng. Do đó, nhiều nhà mang mận đi chợ bán lại phải mang về đổ làm phân hoặc cho trâu bò ăn.
Không bán được hàng cho thương lái, vườn mận của nhà chị tiếp tục bị ảnh hưởng bởi trận mưa đá ngày 11/4 khi những gốc mận tam hoa bị rụng quả, gần như không còn khả năng thu hoạch. Sản lượng mận hậu thu hoạch dự kiến của gia đình cũng chỉ còn khoảng 2-3 tấn.
Trận mưa đá rạng sáng ngày 11/4 khiến vườn mận nhà chị bị thiệt hại nặng nề |
Tương tự, chị Lò Thị Tươi (ở bản Phiêng Tam, xã Chiềng Đen, TP Sơn La) cũng cho biết gia đình có 1 ha trồng xen lẫn mận hậu, mận tam hoa và cây cà phê. Thu nhập hàng năm của gia đình từ 3 loại cây trồng này vào khoảng 50 triệu đồng.
Nhưng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của sương muối khiến cây cà phê bị chết. Đến vụ thu hoạch mận tam hoa thì bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên không có người mua.
Trận mưa đá rạng sáng ngày 11/4 không chỉ khiến cho những gốc mận tam hoa mà cả những gốc mận hậu quả vẫn còn xanh của gia đình cũng bị rụng gần hết. Chị Tươi thừa nhận gia đình mình năm nay đã hoàn toàn mất mùa và mất hết thu nhập từ các loại cây trồng.
Trao đổi với PV, ông Cà Văn Danh, Chủ tịch xã Chiềng Cọ, cho biết toàn xã có 786 ha trồng mận tam hoa và mận hậu. Trong đó, diện tích trồng mận tam hoa vào khoảng 300 ha với sản lượng khoảng 600 tấn.
Những quả mận hậu vẫn còn xanh nhưng cũng bị rụng bởi ảnh hưởng của mưa đá |
Trận mưa đá rạng sáng ngày 11/4 vừa qua đã ảnh hưởng tới 234 ha mận của toàn xã, ước tính số mận bị rụng vào khoảng 355 tấn, gây thiệt hại cho bà con nông dân hàng tỷ đồng.
Ông Danh còn cho biết toàn xã còn khoảng 1.000 tấn mận (cả tam hoa và mận hậu) chưa tu hoạch. Tuy nhiên, hiện giá mận tam hoa xuống thấp chỉ từ 2.000 – 5.000 đồng/kg nên người trồng mận năm nay đối diện với khả năng lỗ nặng.
Chủ tịch xã Chiềng Cọ thừa nhận đang trong thời điểm thực hiện cách ly toàn xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nên lúc này việc “giải cứu” hàng nghìn tấn mận còn lại của bà con cũng không phải là dễ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập, đời sống, sinh hoạt của bà con nhân dân.
Ông Danh cho biết lãnh đạo và nhân dân trong xã mong muốn các cấp, các ngành cũng như Chính phủ quan tâm hỗ trợ đời sống cho bà con khi sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn.
(Theo Dân Việt)