Các chuyên gia từ nền tảng phát triển kinh doanh Kokoc Group của Nga cho biết, trong số 560 công ty đã ngừng hoặc tạm dừng đầu tư vào thương hiệu của họ tại Nga, 235 đã quay trở lại vào quý 4 năm ngoái.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Liên minh các trung tâm mua sắm Nga Pavel Lyulin xác nhận, các cuộc đàm phán về sự trở lại hàng loạt của các thương hiệu nước ngoài bắt đầu đề cập đến vào cuối tuần trước. Có thể kể đến công ty Inditex, chủ các thương hiệu thời trang tầm trung Zara, Massimo Dutti, Uniqlo, PepsiCo, Coca-Cola và thậm chí cả Ford và Visa với MasterCard.
Tại Hàn Quốc, có thông tin cho biết một số thương hiệu địa phương, bao gồm Samsung, LG và Hyundai, đã có kế hoạch quay trở lại Nga sau khi Moskva và Washington bắt đầu đối thoại.
Trong khi đó ông Igor Antropenko, thành viên Ủy ban Công nghiệp và Thương mại của Duma Quốc gia (Hạ viện), cho rằng sẽ không dễ dàng để các công ty đã rời đi quay trở lại thị trường Nga, vì nhiều nhà sản xuất trong nước đã chứng minh được năng lực cạnh tranh của mình. Theo ông, để quay trở lại thị trường Nga, họ sẽ phải phá giá mạnh.
Ngoài ra, Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban Kiểm tra Duma Quốc gia Dmitry Gusev đã đề xuất tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất Nga.
Ông cho biết: "Các thương hiệu phương Tây rời khỏi thị trường của chúng tôi vào thời điểm khó khăn không nên mong đợi được chào đón nồng nhiệt".
Theo Phó chủ tịch Liên minh các trung tâm mua sắm (STC) Pavel Lyulin, các thương hiệu như Zara, Bershka, Pull&Bear, Stradivarius sẽ dễ dàng quay trở lại hơn vì họ đang có các địa điểm “thừa kế” tại các trung tâm mua sắm trên khắp cả nước.