Bộ Nội vụ Pháp cho biết sẽ triển khai 11.000 cảnh sát để ứng phó nguy cơ bạo động trong khi Tổng thống Emmanuel Macron tiếp tục khẳng định cải cách là điều tất yếu.
Đình công ảnh hưởng giao thông ở Pháp. Ảnh: Le Monde.
Đây là lần thứ 2 chỉ trong vòng 2 tuần qua, 8 nghiệp đoàn lao động lớn nhất của Pháp liên kết phát động đình công và tuần hành lớn trên toàn quốc để phản đối dự luật cải cách hưu trí được chính phủ công bố ngày 11/1.
Đại diện các nghiệp đoàn lao động cho biết hoạt động đình công sẽ có sự hưởng ứng tham gia của nhiều lĩnh vực ngành nghề từ năng lượng, y tế, giáo dục, bưu điện, các khu trượt tuyết và đặc biệt là giao thông. Theo dự báo, hệ thống xe bus, tàu điện ngầm đô thị, đặc biệt là tại thủ đô Paris hay các tuyến đường sắt liên tỉnh chỉ hoạt động với công suất 1/3 ngày thường, trong khi 1/5 chuyến bay tại các sân bay lớn như Charles de Gaulle và Orly ở thủ đô Paris sẽ bị hoãn huỷ.
Tổng Công đoàn lao động Pháp (CGT) trong những ngày qua liên tiếp kêu gọi tiến hành đình công, phong toả các nhà máy lọc dầu cùng các cơ sở lưu trữ giống như hồi tháng 10/2022 nhằm gia tăng sức ép lên chính phủ.
Theo các nghiệp đoàn lao động, số lượng người Pháp tham gia đình công và tuần hành ngày 31/1 sẽ vượt qua con số hơn 2 triệu người mà các tổ chức này ghi nhận được trong cuộc tổng đình công và tuần hành lần thứ nhất hôm 19/1.
Bộ Nội vụ Pháp dự báo sẽ có khoảng 1 triệu đến 1,2 triệu người Pháp sẽ xuống đường tham gia các cuộc tuần hành lớn diễn ra trên toàn quốc. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin đã cho biết khoảng 11 ngàn cảnh sát sẽ được triển khai để ngăn chặn nguy cơ các cuộc tuần hành biến thành bạo loạn. Tình báo Pháp cảnh báo sẽ có nhiều “điểm đen” trên cả nước, và riêng tại thủ đô Paris sẽ có khoảng 400 điểm đen và 4.000 cảnh sát sẽ được triển khai ứng phó.
Trong khi đó, dự luật cải cách hưu trí đã được Thủ tướng Elisabeth Borne trình lên Ủy ban các vấn đề xã hội thuộc Quốc hội ngày 30/1 để xem xét trước khi đưa ra phiên họp toàn thể dự kiến diễn ra vào giữa tháng 2/2023.
Phát biểu trong chuyến thăm Hà Lan ngày hôm qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp tục nhấn mạnh việc nâng độ tuổi về hưu lên 64 vào năm 2030 là điều tất yếu: “Cải cách hưu trí là điều không thể tránh được nếu đưa ra so sánh với các nước châu Âu khác cũng như thấy được sự cần thiết để duy trì và cứu cả hệ thống. Thủ tướng hoàn toàn có lý để thực hiện và tôi ủng hộ điều này”.