Để chuẩn bị đối phó với diễn biến phức tạp của dịch cúm bởi virus corona mới gây ra (nCoV), chính quyền Trung Quốc đã quyết định chạy đua với thời gian để xây dựng hai bệnh viện dã chiến với sức chứa hơn 1.000 giường bệnh mỗi cái, mang tên Hỏa Thần Sơn (Huoshenshan) và Lôi Thần Sơn (Leishenshan). Thời gian xây dựng mỗi bệnh viện khổng lồ này ước tính chỉ khoảng 10 ngày.
Luồng video quay cảnh công trường xây dựng bệnh viện dã chiến lúc 4h sáng.
Vào lúc 3 giờ sáng ngày 28/1, đã có 790.000 người xem cùng lúc video phát sóng trực tiếp từ công trường xây dựng của bệnh viện Lôi Thần Sơn. Càng về sáng, lượng người xem càng đông, mặc dù nội dung của nó không hề có bình luận, người dẫn hay thậm chí là nhạc nền. Hiệu ứng âm thanh duy nhất phát ra là những âm thanh "xào xạc", tương tự như tiếng ồn trắng (White Noise).
Trái ngược với nội dung hình ảnh đơn điệu, khu vực bình luận khá sôi động. Mọi người theo dõi bày tỏ cảm xúc của mình, hay chỉ dẫn và giải đáp các thắc mắc của những người khác. Rất nhiều người có cảm giác họ chính là những người giám sát, đang theo dõi tiến độ của toàn bộ dự án.
Trong ngày 28, số lượng người theo dõi quá trình phát sóng tiếp tục tăng. Vào lúc 5h30 chiều, số người xem cùng lúc trong thời gian thực trên luồng video của bệnh viện Hỏa Thần Sơn tăng lên 4,36 triệu. Còn số người xem thời gian thực trong luồng video của bệnh viện Lôi Thần Sơn là 6,52 triệu.
Ở thời điểm cao nhất, số lượng người theo dõi luồng phát sóng về công trường bệnh viện Hỏa Thần Sơn lên tới hơn 27 triệu.
Hình ảnh công trường lúc 5h chiều ngày 28/1.
Để giải quyết tình trạng thiếu tài nguyên y tế và vấn đề lây nhiễm chéo giữa bệnh nhân và nhân viên y tế, Thành phố Vũ Hán đã bắt đầu xây dựng Bệnh viện Núi Vulcan và Bệnh viện Lei Shenshan vào ngày 23 tháng 1 và 25 tháng 1 với sự tham khảo của Mô hình Xia Xiaangang của Bắc Kinh trong thời kỳ SARS.
Theo chính quyền thành phố Vũ Hán, việc thành lập hai bệnh viện đặc biệt này nhằm mục đích phòng chống dịch bệnh và được coi là một trong những biện pháp cốt lõi. Việc truyền tải theo thời gian thực về tình trạng xây dựng của hai bệnh viện một cách khách quan có tác dụng rất lớn trong việc xoa dịu sự hoảng loạn trong xã hội và định hướng dư luận quan tâm hơn tới công tác phòng chống dịch bệnh hiện nay.
Hiện tại, hơn 3.000 công nhân đang làm việc liên tục tại mỗi công trường, cả ngày lẫn đêm theo ba ca khác nhau. Nhiều công nhân phải làm việc hai ca, 12 tiếng một ngày. Hai bệnh viện sẽ chuyên điều trị bệnh nhân bị viêm phổi do nhiễm nCoV, dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng vào ngày 3/2 và ngày 5/2 tới.
Chính quyền Trung Quốc có kế hoạch xây dựng thêm hai bệnh viện khác ở các thành phố lân cận là Hoàng Cương và Trịnh Châu. Trước đây, Trung Quốc cũng đã triển khai các bệnh viện dã chiến tương tự vào đợt bùng phát dịch SARS năm 2003, để đối phó với một chủng virus họ hàng với nCoV, đã giết chết gần 800 người.
Chia sẻ trên mạng xã hội Weibo, luồng phát sóng trực tiếp từ công trường xây dựng hai bệnh viện đã lan tỏa đi một cách chóng mặt. Rất nhiều người đã truyền tay nhau đường link với thông điệp "cùng nhau trông nom và ủng hộ bệnh viện dã chiến" hay "nếu ai đang buồn chán và không thể ngủ thì hãy tới xem trực tiếp việc xây bệnh viện ở Vũ Hán này đi".
Theo các chuyên gia, thì ngoài việc truyền thông tin và đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ thị giác của người xem, một trong những điều quan trọng nhất của các luồng video nói trên là cung cấp cho người dùng mạng xã hội một cái gọi là "cộng đồng tưởng tượng".
Cụ thể, với chương trình phát sóng trực tiếp công trường xây dựng bệnh viện Hỏa Thần Sơn và Lôi Thần Sơn, cư dân mạng Trung Quốc đã dần hình thành một nghi thức mới. Đó là việc họ tự coi mình là các "giám sát viên tình nguyện", giúp chia sẻ thông tin và nâng cao ý thức của mọi người, chung lưng phản đối các luồng ý kiến tiêu cực.
Đối với các yếu tố thường xuất hiện trong video, các khán giả cũng bắt đầu đặt tên cho chúng. Ví dụ như một chiếc xe nâng màu trắng thường xuyên xuất hiện trên màn hình, được cư dân mạng ưu ái gọi với biệt danh là "Xiaobai". Ngay sau đó, một "Câu lạc bộ người hâm mộ Xiaobai" đã được tạo ra, nhằm ca ngợi hành vi làm việc chăm chỉ của Xiaobai. Vào buổi tối, nhiều loại thiết bị khác như tháp cần cẩu và máy trộn xi măng cũng có biệt danh mới như "Tiểu Lam", "Tiểu Hoàng", "Tiểu Hồng"...
Cùng với đó là sự xuất hiện của các loại hình bình luận khác nhau như thành ngữ, văn thơ, hò vè... Mọi thứ khiến cho "cộng đồng tưởng tượng" này trở nên thực tế hơn, sôi động hơn, giảm bớt đi trải nghiệm nhàm chán của việc xem video liên tục trong nhiều giờ.
Tham khảo iFeng