Lần đầu tiên, Alaska đã hủy bỏ mùa đánh bắt cua tuyết khi hàng tỷ cá thể biến mất một cách bí ẩn khỏi vùng nước lạnh giá đầy nguy hiểm của biển Bering trong những năm gần đây.
Hội đồng quản lý nghề cá Alaska và bắc Thái Bình Dương tuần trước thông báo rằng quần thể cua tuyết ở biển Bering đã giảm xuống dưới ngưỡng quy định để tiếp tục khai thác. Những con số đằng sau quyết định này thực sự gây sốc. Số lượng cua tuyết đã giảm từ khoảng 8 tỷ con năm 2018 xuống còn 1 tỷ con vào năm 2021.
"Cua tuyết vốn là loài phong phú nhất trong số các loài cua ở biển Bering được đánh bắt thương mại. Vì vậy, những gì đang xảy ra thực sự gây sốc. Không chỉ cua trưởng thành mà cả cua cái và cua con cũng biến mất một cách bí ẩn", Benjamin Daly, chuyên viên nghiên cứu về nghề cá ở Alaska, cho biết.
Mùa cua hoàng đế đỏ ở Vịnh Bristol cũng đứng trước nguy cơ bị đình trệ năm thứ 2 liên tiếp.
Các quan chức viện dẫn việc đánh bắt quá mức là lý do họ hủy bỏ mùa khai thác. Thậm chí, người ta cho rằng lượng cua bị đánh bắt đang nhiều hơn lượng cua được sinh ra trong tự nhiên. Chính vì thế, việc cấm đánh bắt được kỳ vọng sẽ giúp phục hồi số lượng loài sinh vật này.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng việc đánh bắt quá mức không thể khiến số lượng cua tuyết giảm nhanh và mạnh đến vậy. Thay vào đó, người ta cho rằng thay đổi môi trường dẫn tới việc sự sụt giảm đột ngột của loài sinh vật này.
Cua tuyết sống ở vùng nước lạnh và xuất hiện nhiều ở những nơi có nhiệt độ dưới 2 độ C. Tuy nhiên, khi các đại dương ấm lên và băng biến mất, vùng biển xung quanh Alaska đang ngày càng trở nên không phù hợp với loài sinh vật này.
Các nghiên cứu cũng cho thấy nhiệt độ và môi trường nước ở biển Bering đang ngày càng biến đổi. Nhiệt độ nước xung quanh Bắc Cực cũng đã ấm lên với tốc độ nhanh gấp 4 lần so với phần còn lại của hành tinh. Biến đổi khí hậu gây ra hiện tượng tan băng mạnh mẽ ở vùng Bắc Cực, đặc biệt là biển Bering, do đó góp phần đẩy nhanh sự ấm lên toàn cầu.
Tuy nhiên, việc đóng cửa hoạt động khai thác cũng góp phần không nhỏ giúp khôi phục lại quần thể cua tuyết. Các nhà nghiên cứu tìm thấy nhiều cá thể nhỏ nhưng chúng cần vài năm nữa để trưởng thành và góp phần tăng số lượng quần thể này.
"Dù sao đó cũng là một tín hiệu lạc quan. Nó tốt hơn nhiều so với việc không nhìn thấy cá thể nào. Trái đất ấm dần lên mỗi năm và sự biến đổi đó đặc biệt mạnh mẽ ở hệ sinh thái Bắc Cực. Ngăn chặn biến đổi khí hậu, giúp trái đất ngừng nóng lên là tin vui có nhân loại và cả những con cua tuyết", Ethan Nichols, chuyên gia sinh vật học của cơ quan quản lý thủy hải sản Alaska cho biết.
Cua tuyết có tên khoa học là Chionoecetes opilio. Chúng là loại hản sản nổi tiếng nhờ kích thước lớn, hương vị ngon. Phần ngon nhất của sinh vật này chính là chân và càng, vốn rất to và chứa nhiều thịt. Loài cua này khá giống với cua hoàng đế nhưng nhỏ hơn một chút và có ít gai trên thân hơn. Việc những con cua tuyết biến mất khiến giới sành ăn toàn cầu ít có cơ hội thưởng thức một món đặc sản, ít nhất là trong năm nay.
Nguồn: CNN