Sáng 10/3, Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã tổ chức Lễ công bố Báo cáo thường niên FDI năm 2022 với chủ đề chính hướng tới tăng trưởng xanh và chuyển đổi số.
Trình bày báo cáo, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE, chủ biên báo cáo cho biết, cộng đồng ASEAN đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, bền vững và nền kinh tế kỹ thuật số, mở cửa thị trường để gia tăng thương mại và đầu tư nhằm thực hiện Khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN (ACRF).
Theo HSBC, ASEAN đã chứng kiến sự bùng nổ FDI, phần lớn là nhờ vào tiềm năng kinh tế to lớn của khu vực. Tổng FDI vào ASEAN-6 (Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines) đạt gần 127 tỷ USD/năm giai đoạn 2010- 2019, gần gấp 3 lần so với 41 tỷ USD/năm giai đoạn 2000 - 2009.
Tương tự, FDI ròng (giá trị đầu tư trực tiếp vào trong nước trừ đi giá trị đầu tư trực tiếp ra nước ngoài) trung bình đạt gần 54 tỷ USD/năm kể từ 2010, gần gấp bốn lần một thập niên trước đó. Trong đó, Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản đầu tư vào ASEAN lớn nhất.
"Trong khối ASEAN, Việt Nam là một ví dụ nổi bật, được đánh giá là một ngôi sao trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm được thị phần đáng kể trong nhiều lĩnh vực, bao gồm dệt may, giày dép và điện tử tiêu dùng", GS. Nguyễn Mại nói.
Việt Nam đã tiến lên trong chuỗi cung ứng sản phẩm, trở thành trung tâm sản xuất các sản phẩm điện tử trong hai thập niên gần đây. Xuất khẩu hàng điện tử đã đạt mức cao kỷ lục 100 tỷ USD trong năm 2021, chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Kết quả điều tra các doanh nghiệp FDI cho thấy, 68,5% các doanh nghiệp FDI đánh giá Việt Nam có thuận lợi hơn về địa điểm đầu tư so với những quốc gia khác mà doanh nghiệp cân nhắc đầu tư (về chi phí và chất lượng lao động, thuế và khả năng ứng phó của Chính phủ với các tình thế khẩn cấp). Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng vấn đề tham nhũng và hệ thống thủ tục hành chính, chất lượng cơ sở hạ tầng, chất lượng cung cấp dịch vụ công ở Việt Nam không bằng quốc gia xuất xứ.
Khoảng 78,4% doanh nghiệp tham gia khảo sát dành ra khoảng 5% thời gian trở lên hàng năm cho việc tìm hiểu và thực hiện các quy định pháp luật, tăng hơn 10% so với giai đoạn 5 năm đầu tiên từ khi thành lập.
Thuế, phí, tiếp cận đất đai, hải quan và xây dựng tiếp tục là những lĩnh vực gây nhiều khó khăn nhất (cụ thể tỷ lệ doanh nghiệp đưa ra quan điểm này lần lượt là 31,2%, 28,6%, 26% và 24,7%).
Có 53,5% doanh nghiệp FDI cho biết, có định hướng phát triển "nền kinh tế xanh". Tuy nhiên, các hoạt động cụ thể chỉ giới hạn một số công tác nhỏ lẻ như xây dựng hệ thống xử lý nước thải, lò hơi đốt chất thải trong khu công nghiệp để sản xuất điện phục vụ các nhà đầu tư thứ cấp, tăng cường trồng cây xanh, vệ sinh phân loại rác hàng ngày.
Góp ý về cải cách thủ tục hành chính, 100% doanh nghiệp FDI phản hồi, cho rằng Chính phủ Việt Nam cần nhanh chóng rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp và theo kịp với biến động của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút doanh nghiệp FDI của các nước trên thế giới. Nhà nước cần thống nhất các quy định trước khi ban hành để tránh việc gây ra các quy định chồng chéo, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình tuân thủ. Đồng thời, tạo môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh, thông thoáng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài.
41% doanh nghiệp EU (thuộc EUROcham) đang dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam
Đồng tình với các kết quả khảo sát đưa ra tại Báo cáo thường niên FDI 2022, có mặt tại lễ công bố, ông John Rockhold, Chủ tịch Amcham Hà Nội cho biết, nhà đầu tư Hoa Kỳ rất quan tâm đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực tăng trưởng xanh và cam kết Net Zero tại COP 26.
"Một số doanh nghiệp Hoa Kỳ cho biết, có thể sẽ thực hiện Cam kết phát thải ròng bằng 0 từ năm 2030 thay vì 2050. Có hàng nghìn tỷ USD từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ đang chờ đợi chảy vào các lĩnh vực năng lượng xanh, logistic, cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Tuy nhiên, để thu hút được lượng vốn này, còn một số khó khăn mà nhà đầu tư muốn được các Bộ, ngành Việt Nam hợp tác tháo gỡ. Gần đây, Amcham đã xúc tiến các buổi làm việc với NHNN, Bộ tài chính để có cơ chế hợp tác, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, vì môi trường lãi suất 2 con số như hiện nay không thuận lợi cho doanh nghiệp", Chủ tịch Amcham Hà Nội trao đổi.
Bà Delphine Rousselet, Giám đốc điều hành EUROcham cho biết, Báo cáo thường niên FDI của VAFIE có những kết quả khá tương đồng với các nghiên cứu của EUROcham.
Theo đó, nghiên cứu khảo sát hơn 1.300 doanh nghiệp EU của EUROcham cho thấy 2 con số rất tích cực: Một là 41% doanh nghiệp cho biết đang dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam (tỷ lệ tăng 30% so với khả sát trước đó); Hai là 35% doanh nghiệp khảo sát đưa Việt Nam vào top 5 điểm đầu tư hấp dẫn nhất.
Tuy nhiên, cũng có 3 điều doanh nghiệp EU cho rằng là cản trở khi đầu tư vào Việt Nam: 1 là thiếu rõ ràng trong các quy định; 2 là thủ tục hành chính; 3 là visa với người nước ngoài.
"Nếu Việt Nam có thể cải thiện tốt hơn về thủ tục hành chính sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài", Giám đốc điều hành EUROcham nói.
Ngoài ra, đại diện EUROcham cho biết, các thành viên của hiệp hội EUROcham có thế mạnh trong lĩnh vực xanh và tăng trưởng bền vững. Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) rất tích cực nhưng thực thị trên thực tế còn khá chậm, còn khó vận dụng. Do vậy, rất mong thời gian tới, Việt Nam cần thúc đẩy để hiệp định phát huy hiệu quả.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực VAFIE nhấn mạnh, Nghị quyết 50 năm 2019 của Bộ Chính trị đã khẳng định: "Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước". Nghị quyết 50 cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc thu hút và quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài, trên cơ sở đó đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Nhận rõ vai trò của thông tin đối với hoạt động đầu tư nước ngoài, từ năm 2021, VAFIE đã nghiên cứu và công bố Báo cáo thường niên về FDI nhằm cập nhật xu hướng FDI trên thế giới và khu vực, cung cấp cho các nhà đầu tư và các cơ quan nghiên cứu, hoạch định chính sách bức tranh toàn cảnh và đánh giá khách quan về hoạt động FDI cũng như môi trường đầu tư Việt Nam; khuyến nghị giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách và cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư.
Tiếp nối thành công của năm 2021, Báo cáo thường niên FDI 2022 do GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE làm chủ biên được xây dựng từ các tư liệu của nhiều tổ chức quốc tế như IMF, WB, ADB, UNCTAD và thống kê của một số nước phát triển,các quốc gia ASEAN, của Tổng cục Thống kê và Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trong quá trình soạn thảo Báo cáo thường niên FDI 2022, Tổ biên tập của VAFIE đã tiến hành khảo sát 10 địa phương thu hút nhiều và sử dụng vốn FDI có hiệu quả kinh tế - xã hội cao để đánh giá khoa học và khách quan thành quả, vấn đề, cơ hội và thách thức đối với nước ta trong quá trình hợp tác và cạnh tranh với nhiều nước để thu hút FDI có chất lượng và hiệu quả.
Ban soạn thảo Báo cáo thường niên 2022 cũng đã nhận được sự tham gia, đóng góp tích cực của các chuyên gia kinh tế và các công ty kiểm toán quốc tế hàng đầu tại Việt Nam. Đặc biệt, Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG đã gửi phiếu điều tra đến nhiều doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam và đã nhận được sự phản hồi tích cực, đánh giá khách quan về tiềm năng, lợi thế của Việt Nam trong thu hút FDI, cũng như về môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam.
Tập đoàn FiinGroup đã nghiên cứu và đánh giá sâu về hoạt động M&A tại Việt Nam năm 2022 - một hình thức đầu tư đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.
Báo cáo thường niên về Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2022 gồm 5 chương, dày 350 trang được xuất bản cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh.