Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng Phòng Xuất xứ hàng hóa Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, cho biết cơ hội cho Việt Nam tận dụng ưu đãi trong hiệp định này rất lớn. Đáng lưu ý nhất là quy tắc "cộng gộp", hay còn gọi là "chuỗi cung ứng trong - ngoài FTA (hiệp định thương mại tự do)".
Theo đó, khi tính đến tỉ lệ ưu đãi xuất xứ, hàng Việt sẽ được cộng trị giá gia tăng trong quá trình sản xuất và trị giá của nguyên liệu có xuất xứ, dù tỉ lệ nhỏ nhất. "Ví dụ, Việt Nam nhập khẩu cao su từ Trung Quốc về gia công lốp ôtô, sản phẩm này sau đó được xuất khẩu sang một nước khác để lắp ráp thành chiếc xe hoàn thiện.
Với các FTA trước đây, sản phẩm lốp ôtô không đáp ứng nguyên tắc xuất xứ nên Việt Nam không được tính ưu đãi. Nhưng với CPTPP, dù Việt Nam tham gia chỉ 1% trị giá trong toàn bộ công đoạn thì vẫn được tính vào phần ưu đãi nếu chiếc xe được sản xuất, lắp ráp tại nước có tham gia CPTPP" - bà Hiền dẫn chứng và cho rằng quy định này giúp thúc đẩy chuỗi phát triển cung ứng của Việt Nam.
Hàng dệt may của Việt Nam vẫn được ưu đãi xuất khẩu trong CPTPP do được chấp thuận quy tắc “nguồn cung thiếu hụt” Ảnh: TẤN THẠNH
Với sản phẩm của ngành dệt may, theo bà Hiền, dù quy định trong CPTPP khắt khe hơn so với các FTA khác nhưng do được chấp thuận quy tắc "nguồn cung thiếu hụt" nên Việt Nam vẫn có cơ hội. "CPTPP đòi hỏi xuất xứ từ sợi trở đi mới được hưởng ưu đãi. Tuy nhiên, chúng ta đã nỗ lực đưa danh mục 187 mặt hàng không có sẵn, các nước CPTPP cũng không đáp ứng đủ cho nhau để được hưởng ưu đãi và đã được chấp nhận" - bà Hiền thông tin.
Cũng liên quan đến dệt may, ông Vũ Hùng Thịnh, Phó trưởng Phòng Xuất xứ hàng hóa Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, đánh giá Việt Nam có ưu điểm là sản xuất sợi tốt nhưng khâu hoàn thiện vải gặp vấn đề lớn về công nghệ, môi trường… Do vậy, nhiều doanh nghiệp phía Bắc sau khi dệt vải mộc sẽ chuyển sang Trung Quốc để thực hiện khâu định hình vải và nhuộm. Sau đó, vải thành phẩm được Việt Nam nhập lại để đưa vào may mặc.
Những sản phẩm này nếu được xuất khẩu sang Nhật theo Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) sẽ không được ưu đãi thuế quan do bị coi là "mất xuất xứ". Nhưng với CPTPP, quy tắc tự chứng nhận xuất xứ cho phép doanh nghiệp tự chuẩn bị hồ sơ, chứng từ để chứng minh khâu sản xuất sợi đầu tiên là từ Việt Nam, từ đó sẽ được hưởng ưu đãi khi xuất khẩu sang Nhật.
Ngoài ra, CPTPP cũng chấp nhận nguyên tắc hồi tố C/O (chứng nhận xuất xứ) cho những đơn hàng xuất khẩu trước thời điểm hiệp định có hiệu lực với Việt Nam (14-1) và sau thời điểm chính thức có hiệu lực với các nước (30-12-2018). "Chỉ cần hàng hóa Việt Nam được doanh nghiệp của nước nhập khẩu chấp nhận hồ sơ C/O ưu đãi và nội luật của nước đó cho phép thì Bộ Công Thương sẽ cấp hồi tố để doanh nghiệp xin hoàn thuế" - ông Thịnh khẳng định.
Bên cạnh đó, giữa lộ trình giảm thuế trong CPTPP và lộ trình của các FTA khác, doanh nghiệp được lựa chọn mẫu C/O nào đơn giản hơn, có lợi hơn. Bởi thực tế, nhiều nước thành viên của CPTPP có hiệp định song phương với Việt Nam hiện có ưu đãi thuế tốt hơn CPTPP.