Hàng hiệu giá bèo
Chỉ một đoạn ngắn trên đường Trần Huy Liệu (Q.Phú Nhuận), Trần Quang Diệu (Q.3)… đã có gần chục cửa hàng chuyên doanh hàng xách tay gồm: quần áo, giày dép, đồng hồ, mắt kính, mỹ phẩm, nước hoa, thực phẩm chức năng, thực phẩm... Các cửa hàng công khai trưng bảng hiệu: “hàng Mỹ xách tay”, “hàng chính hãng xách tay”, “mỹ phẩm Nhật nội địa”… mà không cần phải "để ý" gì đến các lực lượng chức năng.
Tại cửa hàng Liên Hoa (Nguyễn Trãi, Q.5) chuyên mỹ phẩm Pháp, Nhật, nhân viên đon đả giới thiệu hàng loạt nước hoa, son môi… vừa mới “xách tay về”. “Bên em thường có bạn bè, người thân ở nước ngoài, mỗi lần về Việt Nam thường hay đem theo một vài chai nước hoa, thỏi son môi… Do đó sản phẩm bên em tuy giá có cao hơn một chút nhưng rất đảm bảo”. Khi đặt vấn đề cần mua son môi cùng hãng với số lượng lớn, nhân viên cho hay đang có sẵn hàng, khách cần bao nhiêu cũng có (?!).
Khảo sát một số cửa hàng kinh doanh hàng xách tay, giá các sản phẩm thường được người bán “bao giá” vì theo họ “đây là hàng chính hãng nhưng được xách tay. Vì thế không tốn thuế, phí nên bán giá rẻ hơn từ 1/2 đến 2/3 giá so với giá gốc cho khách hàng”. Đơn cử như nước hoa Valentino giá chính hãng 4 triệu đồng, hàng xách tay chỉ 1,4 triệu đồng; mắt kính Rayban chính hãng giá 8 triệu đồng, cửa hàng bán chỉ 3,5 triệu đồng...
Mặt hàng điện tử xách tay là sản phẩm được nhiều “tín đồ” công nghệ săn lùng. Tại cửa hàng điện thoại H. (Trần Quang Khải, Q.1), nhân viên tư vấn hai dòng điện thoại xách tay và công ty. “Hàng xách tay rẻ hơn hàng công ty từ 4-5 triệu đồng, chế độ bảo hành cũng như chính hãng” – nhân viên nói. Khi hỏi về xuất xứ, nhân viên khẳng định là chính hãng của Mỹ, đi đường tàu về, có thể truy xuất thông tin từ mã code nên khách không phải lo lắng.
Trên các chợ online, thực phẩm, thực phẩm chức năng luôn đắt khách. Nhiều bà mẹ chuộng hàng ngoại nên thường đặt mua hàng của Mỹ, Pháp, Nhật... như sữa, tả, thức ăn bổ sung cho trẻ. “Hàng ngoại chắc là tốt cho trẻ hơn là hàng nội rồi. Tôi thấy trẻ em nước ngoài đứa nào cũng cao lớn, khỏe mạnh nên đã chọn thực phẩm ngoại cho con. Dù giá có cao hơn nhưng “tiền nào của náy” – chị Thùy (ngụ Q.Tân Phú, có con trai hơn 1 tuổi) tâm sự.
Hàng xách tay chủ yếu bán trên mạng
Gần đây, nhiều trang facebook, Zalo… còn công khai bán các loại thuốc chữa bệnh có xuất xứ từ Đức, Mỹ, Pháp, Úc, Canada…
“Siết” cách nào?
Bằng việc “tuồn” hàng ngoại dưới hình thức “núp bóng” quà tặng, quà biếu, nhiều tỷ đồng hàng hóa đã được vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ mà không bị mất một loại thuế nào. Do đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã có văn bản chỉ đạo 5 Bộ: Tài chính, Công thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công an tăng cường quản lý hàng hóa, quà biếu, tặng từ nước ngoài.
Chờ cả ngày tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Bà Lê Thanh, chủ shop chuyên hàng “xách tay” vẫn chưa thể làm thủ tục nhận hàng nhập khẩu. Bà cho hay, các đại lý nhận đặt và vận chuyển hàng theo hình thức hàng xách tay từ Mỹ về với lượng lớn rất khó lấy hàng ra tại thời điểm này. Cơ quan hải quan đang siết chặt quản lý, các lô hàng vượt chỉ tiêu miễn thuế sẽ bị “ách” lại. “Có một số mặt hàng cả tháng nay không về nên rất nhiều khách hỏi mà không có để bán, như sữa tươi dạng bột A2 của Úc, trước kia hàng về rất đều nhưng đợt vừa rồi về đến hải quan của mình lại bị ách lại chứ không còn được thông quan dễ dàng như trước” – bà nói.
ỹ phẩm ngoại chính hãng được quảng cáo rầm rộ trên mạng
MTheo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, sở dĩ hàng “xách tay” có sức hấp dẫn do tâm lý sính hàng ngoại của người tiêu dùng. Lợi dụng tâm lý đó, không ít gian thương đã sử dụng chiêu bài quen thuộc để kiếm lời trên lòng tin của người tiêu dùng là trà trộn hàng giả, hàng nhái trong vỏ bọc hàng xách tay. Thị trường hàng xách tay hoạt động công khai, tràn lan không phải chỉ là trong 1-2 năm gần đây mà đã diễn ra trong nhiều năm nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.
“Giờ Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 5 Bộ tăng cường quản lý hàng xách tay, Tổng cục Hải quan cũng ra văn bản siết hàng xách tay. Văn bản ra là 1 chuyện nhưng vấn đề tổ chức thực hiện như thế nào? Quản lý thị trường trên từng địa bàn có làm không hay lại bảo kê cho họ? Chúng ta yếu không phải bởi vì thiếu văn bản mà do tổ chức thực hiện” - ông Phú trăn trở.
Hàng ngoại "xách tay" đang bị siết quản lý
Ông Nguyễn Văn Bách, Phó chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường (QLTT) TPHCM cho biết: “Mỗi tuần, cơ quan QLTT đều kiểm tra hàng trăm vụ có liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng “núp bóng” xách tay. Với những mặt hàng không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, không có giấy tờ liên quan thì đều bị tịch thu, tiêu hủy và các chủ cửa hàng vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định. Cửa hàng nào tái phạm nhiều lần sẽ bị xử phạt theo tình tiết tăng nặng, thậm chí rút giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, mức chế tài hiện nay còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe nên dù bị kiểm tra, xử phạt nhiều lần nhưng các cửa hàng vẫn tái phạm. Phải tăng nặng khung phạt và tăng cường xử hình sự nhiều hơn”.