Theo Sky and Telescope, Trung tâm Hành tinh nhỏ (MPC) do Đài quan sát Vật lý thiên văn Smithsonian (Mỹ) điều hành, các quan sát mới đã khiến Sao Mộc "mọc" thêm 15% số mặt trăng mà nó sở hữu và trở thành hành tinh có nhiều vệ tinh tự nhiên nhất Hệ Mặt Trời.
Trước đó ngôi đầu bảng thuộc về Sao Thổ với 83 mặt trăng đã được phát hiện, nhiều hơn con số 80 trước đó của Sao Mộc một chút.
Sao Mộc và quỹ đạo chằng chịt của 92 mặt trăng - Ảnh: Viện Carnegie
Công bố này đến từ một bộ dữ liệu mới về Sao Mộc và những thứ xung quanh nó, được ghi nhận từ năm 2021 đến 2022. Các nhà khoa học đã mất một thời gian bởi họ phải chắc chắn rằng các vật thể này hoàn thành quỹ đạo quanh Sao Mộc một cách ổn định thì mới có thể coi nó là mặt trăng. Điều này giúp phân biệt với những tiểu hành tinh chỉ bay ngang qua.
Theo Space, trong 12 mặt trăng mới phát hiện có 9 cái đặc biệt xa, quỹ đạo dài hơn 550 ngày. Những mặt trăng này cũng tương đối nhỏ, chỉ có 5 cái đường kính lớn hơn 8 km.
Chín mặt trăng đặc biệt xa cũng có quỹ đạo ngược, tức quay ngược so với chuyển động của chính hành tinh quanh trục. Điều này cũng ngược lại với các mặt trăng gần hơn bao gồm nhóm mặt trăng Galileo lừng danh (được phát hiện bởi nhà bác học Galileo Galilei).
Các mặt trăng còn lại trong số 12 mặt trăng mới nằm trong quỹ đạo thuận, với khoảng cách tầm trung so với Sao Mộc - một dải không gian nằm giữa khu vực chứa các mặt trăng Galilean với khu vực đặc biệt xa của 9 mặt trăng kia. Các mặt trăng nhỏ bé phía trong này lại khó phát hiện hơn các mặt trăng ở bên ngoài bởi bởi bị nhiễu bởi ánh sáng tán xạ từ Sao Mộc.
Với sự nhỏ bé của chúng, cả 12 mặt trăng này sẽ không thể quan sát từ Trái Đất với các phương tiện cá nhân.
Trong các lần Sao Mộc tiếp cận gần Trái Đất nhất, với một chiếc ống nhòm tốt, người quan sát có cơ hội nhìn được 4/92 mặt trăng Sao Mộc nếu thời tiết tốt: Đó là 4 mặt trăng Galileo - Ganymede, Europa, Calisto và Io - vốn có kích thước thực lớn hơn hoặc chỉ nhỏ hơn một chút so với Mặt Trăng của địa cầu.