Thời gian gần đây, "Hồ sơ Uber" – một loạt tài liệu bí mật bị rò rỉ về gã khổng lồ gọi xe một thời, đã được tờ Guardian công bố và thu hút đông đảo sự chú ý. Những tài liệu này tiết lộ câu chuyện về cách Uber lách luật, lừa gạt cảnh sát, nhà đầu tư và bí mật vận động các chính phủ trong quá trình mở rộng trên quy mô toàn cầu.
Việc rò rỉ dựa trên hơn 124.000 tài liệu tờ Guardian thu thập được. Sau đó, tờ này đã chia sẻ với Tổ chức các nhà báo điều tra quốc tế phi lợi nhuận, làm sáng tỏ giai đoạn Uber hoạt động mạnh mẽ nhất: từ năm 2013 đến năm 2017.
Dưới đây là những cột mốc đáng nhớ của Uber, từ một startup công nghệ khiêm tốn do Travis Kalanick đồng sáng lập cho đến gã khổng lồ công nghệ như hiện nay:
2008: Một đêm lạnh giá ở Paris
Ý tưởng kinh doanh dịch vụ gọi xe đến "vào một buổi tối mùa đông lạnh giá ở Paris", theo trang web của Uber. Thời điểm đó, doanh nhân Travis Kalanick và kỹ sư máy tính Garrett Camp không thể gọi taxi nên họ đã nảy ra ý tưởng về dịch vụ gọi xe công nghệ Uber.
Travis Kalanick (Ảnh: Internet).
2009: Thành lập
Công ty được thành lập tại San Francisco với tên gọi UberCab. Trong phần thuyết trình kêu gọi vốn đầu tư, Kalanick và Camp miêu tả đây là dịch vụ xe hơi chuyên nghiệp, cung cấp giải pháp thay thế nhanh hơn và sang trọng hơn taxi truyền thống, có thể đặt được qua ứng dụng dành cho thiết bị di động.
2010: Những chiếc ô tô đầu tiên lăn bánh
Kalanick được bổ nhiệm làm CEO của Uber. Ngày 5/7/2010, dịch vụ có khách hàng đầu tiên ở một con đường của San Francisco. Ngay sau đó, hai nhà sáng lập bị yêu cầu ngừng hoạt động của Uber cùng lời đe dọa bị phạt tiền hoặc thậm chí là ngồi tù.
2011: Ra mắt tại New York
Uber ra mắt tại New York và vấp phải sự phản đối lớn. Thời điểm này, công ty vừa kết thúc vòng gọi vốn series A, đạt mức định giá 60 triệu USD. Sau đó, công ty ra mắt tại Pháp, quốc gia đầu tiên bên ngoài nước Mỹ.
2012: London và Amsterdam
Chuyến đi đầu tiên của Uber tại London diễn ra vào tháng 6/2012. Tiếp đó, Uber ra mắt tại Amsterdam. Sau này, đây là trụ sở chính cho hoạt động kinh doanh ở Châu Âu của công ty. Đến tháng 10/2012, Uber đã có mặt tại 20 địa điểm khác nhau trên thế giới, theo trang web của hãng.
2013: Tăng tốc
Uber ra mắt tại hơn 40 địa điểm mới trên toàn thế giới, bao gồm Ý, Đức, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga cùng một số nước châu Phi.
2014: Tranh cãi về God View
David Plouffe - cựu trợ lý của ông Barack Obama, được công ty thuê để lãnh đạo nhóm chính sách của Uber vào tháng 8/2014. Tháng 11 năm đó, một giám đốc cấp cao của công ty bị điều tra vì dùng God View (công cụ cho phép theo dõi chuyển động của bất kỳ khách hàng nào) với một nhà báo. 1 tháng sau, Uber gọi vốn thành công 1,2 tỷ USD và được định giá 40 tỷ USD, hoạt động tại 250 địa điểm trên toàn thế giới.
2015: Cột mốc 1 tỷ chuyến đi trên toàn cầu
Văn phòng Uber ở Amsterdam bị kiểm tra vì hoạt động bất hợp pháp. Để đối phó, công ty đã triển khai công cụ mang tên "công tắc tiêu diệt" có tác dụng tắt quyền truy cập vào máy tính khi nhà chức trách vào văn phòng.
Cùng thời gian này, các cuộc biểu tình chống Uber bắt đầu nổ ra nhiều hơn ở Pháp. Thậm chí, tài xế taxi truyền thống còn tấn công những tài xế được cho là làm việc cho Uber. Còn ở Mỹ, một nhóm tài xế đã đệ đơn kiện tập thể chống lại Uber và Lyft với cáo buộc không được hưởng các quyền lợi của nhân viên.
Cũng trong năm 2015, Uber tuyên bố đã thực hiện 1 tỷ chuyến đi trên toàn thế giới kể từ khi ra mắt năm 2010. Không lâu sau, Uber Eats - dịch vụ giao đồ ăn của hãng, ra mắt tại Chicago, Los Angeles và New York.
2016: Rút lui khỏi Trung Quốc
Tháng 8/2016, Uber bán các hoạt động tại Trung Quốc của mình cho Didi. Đây là bước rút lui lớn đầu tiên đối với một công ty đang nỗ lực mở rộng như Uber1 tháng sau, Uber ra mắt chương trình thử nghiệm xe tự lái đầu tiên ở Pittsburgh, sau đó gấp rút triển khai chương trình thử nghiệm xe tự lái ở San Francisco vào tháng 12.
2017: Scandal bủa vây
Scandal đầu tiên đến từ việc cựu nhân viên Susan Fowler đăng một bài viết trên blog miêu tả chi tiết về nạn phân biệt giới tính và quấy rối mà cô gặp phải tại Uber. Sau đó, nhiều vi phạm khác của công ty được đưa ra ánh sáng, dẫn sự ra đi của một số giám đốc cấp cao.
Tiếp đến, Google đâm đơn kiện Uber với cáo buộc ăn cắp bí mật thương mại từ đơn vị phát triển xe tự lái của họ (Google). Để giải quyết các lùm xùm, Uber đã mở cuộc điều tra về tất cả các vấn đề. Kết quả là Kalanick nhận phần lớn trách nhiệm và từ chức. Dara Khosrowshahi được tuyển làm người thay thế Kalanick đảm nhiệm vị trí CEO. Theo thống kê, năm 2017, Uber lỗ ròng 4,5 tỷ USD.
2018: Grab, Google và 10 tỷ chuyến đi
Uber bán hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á của mình cho đối thủ cạnh tranh Grab 1 năm sau khi bán các hoạt động tại Nga cho một đối thủ khác. Uber giải quyết vụ kiện về bí mật thương mại với Google bằng khoản tiền 245 triệu USD.
Công ty tuyên bố đã tăng gấp đôi số chuyến đi chỉ trong hơn 1 năm, từ 5 tỷ vào tháng 5/2017 lên 10 tỷ vào tháng 10/2018.
2019: IPO
Ngày 10/5/2019, Uber chính thức lên sàn chứng khoán New York. Công ty tuyên bố đạt 111 triệu người dùng trong quý IV/2019, thực hiện 6,9 tỷ chuyến đi trong năm đó và có 3,8 triệu tài xế trên toàn thế giới.
Trong năm đó, Kalanick bán hơn 2,5 tỷ USD cổ phiếu Uber và từ chức trong hội đồng quản trị.
2020: Tạm biệt xe tự lái
Uber bán mảng xe tự lái của mình cho Aurora, chấm dứt tham vọng phát triển một phương tiện có thể thay thế người lái xe từ lâu. Sau đó, Uber mua lại đối thủ cạnh tranh giao hàng Postmate và sáp nhập với Uber Eats, báo hiệu sự ưu tiên cho mảng giao đồ ăn.
Ảnh: Internet.
2021: Kỷ lục về số lượng người dùng hoạt động
Công ty tuyên bố đạt kỷ lục 118 triệu người dùng hoạt động. Trong năm này, một tòa án ở Vương quốc Anh ra lệnh buộc công ty phải coi tài xế là nhân viên chính thức để họ được hưởng các quyền lợi như người lao động bình thường.
2022: Rò rỉ "Hồ sơ Uber" chấn động
"Hồ sơ Uber" bị rò rỉ đã tiết lộ về nhiều góc khuất của công ty trong suốt quá trình phát triển. Trong báo cáo gần đây nhất, công ty cho biết họ lỗ 5,9 tỷ USD, có hoạt động tại 1.200 địa điểm trên toàn thế giới.
Nguồn: Guardian