Ông Nguyễn Trung Dũng – Founder kiêm CEO của Dh Foods có 30 năm sinh sống và làm việc tại Châu Âu. Khi ông bắt đầu tìm cách nhập khẩu hàng Việt Nam vào Ba Lan, một vị giáo sư đại học đã nói: "Việt Nam có gì để xuất khẩu!". Câu nói này khiến chàng thanh niên năm đó quyết tâm thay đổi quan niệm của bạn bè quốc tế về sản phẩm Việt Nam.
Bài học về niềm tin
Năm 2017, khi đã có một số lô hàng xuất khẩu sang các nước châu Âu, Dh Foods kết nối với một đối tác Nhật Bản chuyên nhập khẩu thực phẩm Việt Nam. Công ty gửi email chào hàng và được yêu cầu mang sản phẩm đi phân tích theo danh sách hơn 1.000 chỉ tiêu, gửi kết quả và chờ bộ phận QA kiểm tra.
Khi đã có kết quả từ bộ phận QA, đối tác thông báo Dh Foods đã vượt qua kỳ thi kiểm định… trên giấy tờ. Để tiến tới hợp tác, phía Nhật sẽ cử chuyên gia trực tiếp đến kiểm tra thực tế sản xuất tại nhà máy. Hành trình này kể lại chỉ vài câu nhưng tiêu tốn của doanh nghiệp hơn 2 năm ròng theo đuổi, chi không ít tiền cho các cuộc kiểm tra chất lượng sản phẩm và in bao bì theo yêu cầu của khách.
Đến phút cuối, đối tác Nhật thông báo chỉ ký hợp đồng với đơn hàng rất nhỏ. Nguyên nhân là do họ vừa phải cắt hợp đồng với một công ty Việt Nam khác, vì giao hàng không đúng mẫu đã cam kết. "Ở nước ngoài nhiều năm, tôi hiểu câu chuyện này nên không giận họ cũng không tự ái. Thay vào đó, chúng tôi chọn cách chứng minh bằng hành động", người đứng đầu Dh Foods kể lại.
Dh Foods phải ký cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm và bồi thường thiệt hại tại Nhật nếu hàng giao đến không đúng như mẫu đã duyệt. Lúc này, đối tác mới yên tâm đặt lô hàng đầu tiên. Giá trị lô hàng này rất nhỏ so với chi phí mà Dh Foods đã bỏ ra để thuyết phục họ, nhưng đến nay đơn hàng tăng đều mỗi tháng.
Sự xuất hiện của sản phẩm Dh Foods trên kệ các hệ thống siêu thị lớn tại Nhật Bản, minh chứng cho việc thương hiệu gia vị Việt này đủ uy tín và đã vượt qua kỳ thi sát hạch để vào thị trường khó tính bậc nhất châu Á này. Nhờ đó, 5 đối tác khác từ "xứ sở hoa anh đào" cũng liên hệ đặt vấn đề hợp tác sau đó không lâu. Đồng thời cũng giúp Dh Foods mở toang cánh cửa xuất khẩu ra quốc gia phát triển hàng đầu như Đức, Anh, Nga, Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Đài Loan…
Từ câu chuyện của Dh Foods, ông Dũng chia sẻ, cái khó nhất để tiến ra thị trường quốc tế là xây dựng niềm tin. "Khi người ta đã tin, mình bán cái gì cũng được. Nhưng khi đã mất niềm tin, lấy lại rất khó", ông đúc kết.
Cách tìm kiếm khách hàng
Để chinh phục thị trường toàn cầu, lãnh đạo Dh Foods cho rằng trước hết nên định vị thương hiệu rõ ràng. Chỉ có xác định rõ giá trị thương hiệu, doanh nghiệp mới không đi chệch hướng trong quá trình phát triển.
Chẳng hạn Dh Foods được định vị là thương hiệu gia vị Việt chất lượng cao với tiêu chí "không màu tổng hợp, không chất bảo quản nhân tạo". Chất lượng của sản phẩm nội địa cũng chính là sản phẩm chào bán khách hàng quốc tế.
Thứ hai, CEO Nguyễn Trung Dũng quan điểm các doanh nghiệp muốn ra quốc tế nên vững ở thị trường nội địa trước. Đối tác quốc tế có thể đặt hàng năm nay rồi nửa năm hoặc cả năm sau mới quay lại, trong khi doanh nghiệp vẫn cần đơn hàng để duy trì hoạt động. Hơn nữa, với thị trường nội địa, các công ty có lợi thế am hiểu người tiêu dùng và có thể xử lý ngay nếu có sự cố.
Các startup có thể tìm kiếm người mua nước ngoài thông qua nhiều kênh khác nhau như Google, Facebook, tham dự triển lãm trong ngoài nước… Việc xuất hiện tại các siêu thị trong nước cũng tăng cơ hội được chú ý, vì khi tìm kiếm sản phẩm của một quốc gia nào, nhà nhập khẩu thường sẽ ghé siêu thị đầu tiên.
Doanh nghiệp cũng cần đầu tư website, Fanpage… chuyên nghiệp, cập nhật thông tin đầy đủ. Nhà mua hàng có thể vô tình tìm thấy bạn trên Internet nhưng họ sẽ "bỏ đi" ngay khi thông tin gần nhất đã được cập nhật cách đó 2-3 năm. Ngoài ra, hãy dịch website sang ngôn ngữ của các thị trường mà doanh nghiệp nhắm đến. Khách hàng thường có cảm tình hơn khi đọc ngôn ngữ của họ và doanh nghiệp sẽ có cơ hội. Website của Dh Foods hiện nay được tích hợp cả tiếng Việt, tiếng Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức. Và thực tế, không ít đối tác đã liên lạc với công ty qua tìm hiểu từ website.
"Cơ hội đến khi mình sẵn sàng và chuẩn bị đón nhận mới gọi là cơ hội, còn khi mình phải liều thì chỉ là đánh bạc, mà trong kinh doanh thì không nên đánh bạc", ông nhấn mạnh.