Doanh nghiệp gắng gượng trong khó khăn
Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian qua, ông Lê Ngọc Hồ, Giám đốc phụ trách thiết kế và quản lý xây dựng Indochine Engineering cho biết, việc kinh doanh của công ty đang giảm từ 30 - 40%. Biện pháp làm việc tại nhà đang được thực hiện, hiệu quả công việc chắc chắn sẽ bị sụt giảm. Nhìn ra toàn ngành, nếu tình hình bệnh dịch kéo dài, tốc độ tăng trưởng có thể sẽ sụt giảm khoảng 70 - 80% trong thời gian tới.
Nhiều doanh nghiệp có tiếng trong ngành bất động sản cũng không tránh khỏi lao đao vì dịch. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Bất động sản Đại Phúc Land cũng cho biết, doanh thu bán hàng sụt giảm nghiêm trọng trong khi chi phí đầu vào tăng dẫn đến hiệu quả hoạt động bị giảm sâu. Năm nay, để doanh nghiệp đạt được 50% kế hoạch đề ra là sự nỗ lực không đơn giản.
Cũng trong tình trạng gặp khó khăn, ông Lê Văn Thành, Chủ tịch HĐQT CTCP Thể thao Động Lực chia sẻ, hơn một năm qua, lần đầu tiên công ty phải đối mặt với những biến động chưa từng có tiền lệ trong suốt 32 năm hoạt động. Dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát khiến doanh số sụt giảm, nhiều kế hoạch, chiến lược... đến giờ phút này bị phá vỡ.
Không chỉ doanh nghiệp, khách hàng cá nhân cũng gặp nhiều khó khăn trong mùa dịch. Anh Nguyễn Thành Luân (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) cho biết tháng 3 vừa rồi, gia đình anh đã vay ngân hàng số tiền gần 1,1 tỷ đồng để kinh doanh với lãi suất cố định trong 3 năm là 8%/năm. Mỗi tháng, anh phải trả góp cho 11 triệu đồng. Tuy nhiên, dịch bùng phát và kéo dài khiến thu nhập của anh bị ảnh hưởng, doanh thu của cửa hàng bằng 0, món tiền trả góp hàng tháng trở thành gánh nặng, anh chưa biết tính thế nào.
Giảm lãi suất - giải pháp thiết thực
Trước khó khăn của người dân và doanh nghiệp, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhận định, ngoài việc cơ cấu lại khoản nợ, khoản lãi đến hạn và không chuyển nhóm nợ thì việc hạ lãi suất, giảm lãi suất cho vay là một trong những giải pháp thiết thực nhất, cụ thể nhất đối với doanh nghiệp lúc này.
Vì vậy, trong thời gian qua, nhiều ngân hàng đã liên tiếp công bố giảm lãi suất cho khách hàng. Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiếp tục giảm lãi suất tiền vay trong thời gian từ 18/8/2021 đến hết 31/12/2021 đối với tất cả doanh nghiệp và cá nhân ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam hiện đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đây là đợt giảm lãi suất thứ 9 của Vietcombank để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và thiên tai tính từ đầu năm 2020 đến nay.
Trong khi đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã thực hiện giảm tiếp lãi suất cho vay đang áp dụng, đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên đối với khoản vay tại thời điểm 15/7/2021. Chương trình kéo dài từ nay đến hết ngày 31/12/2021. Ước tính, với việc tiếp tục giảm lãi suất lần này, Agribank dành khoảng 5.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng đã công bố giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch COVID-19. Mức lãi suất được giảm tại hai ngân hàng này phổ biến từ 0,8-1%, tùy vào các khoản vay ngắn hạn hay trung dài hạn.
Đại diện Ban lãnh đạo ACB cho biết, ngân hàng sẽ xét đến mức độ dịch bệnh tác động đến tình hình kinh doanh như doanh thu, lợi nhuận, số lượng lao động… của các doanh nghiệp, thu nhập của khách hàng cá nhân và mức độ gắn kết của khách hàng với ngân hàng để có mức giảm lãi suất phù hợp. Đây là động thái thể hiện việc quan tâm đến khách hàng và thực hiện tốt chỉ đạo của NHNN trong việc hỗ trợ khách hàng khó khăn mùa dịch.
Không chỉ riêng các ngân hàng kể trên, nhiều ngân hàng khác cũng nỗ lực hạ lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện của mình để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn của dịch COVID-19, như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank)…
Theo các chuyên gia, số lượng các tổ chức tín dụng công bố giảm lãi suất sẽ chưa dừng lại trong thời gian tới, trong bối cảnh NHNN tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ tăng trưởng, giúp các doanh nghiệp duy trì thanh khoản trong giai đoạn khó khăn này, trong khi thanh khoản của hệ thống còn dồi dào…
Để giải pháp giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn thêm thực chất, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, NHNN sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết giảm lãi suất, giảm được bao nhiêu, giảm thế nào để có sự hỗ trợ thực chất. Các ngân hàng sẽ phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai các biện pháp hỗ trợ như đã tự nguyện cam kết, để thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay.