Năm 2012, thời điểm Nguyễn Ảnh Cường "chân ướt chân ráo" tốt nghiệp Đại học Ngoại Thương rơi đúng vào giai đoạn u ám của thị trường tài chính Việt Nam.
Lúc bấy giờ, mong muốn của thanh niên trẻ là tìm kiếm công việc trong một quỹ đầu tư PE (private equity), nhưng điều này là hết sức khó khăn.
Sau khi có cơ hội thử sức ở nhiều môi trường, từ Vietnam Investment Group, PwC, Mekong Capital… Cường quyết định dừng chân tại Vietnam Holding, một quỹ đầu tư nổi tiếng trong lĩnh vực cổ phiếu niêm yết.
Bốn năm rưỡi ở Vietnam Holding giúp anh đạt được một số thành công nhất định trong ngành đầu tư, nhưng không làm vơi đi khát vọng cháy bỏng đi theo con đường khởi nghiệp thời niên thiếu.
Năm 28 tuổi, Nguyễn Ảnh Cường quyết định nghỉ việc tại Vietnam Holding.
"Một công việc hạnh phúc, thú vị và giúp tôi có những thành công nhất định", anh nói.
Hãy xem Nguyễn Ảnh Cường đã từng có được những gì?
Khối tài sản trên 1 triệu USD ở tuổi chưa đầy 28, hầu hết trong số đó đến từ đầu tư chứng khoán. Nhưng anh cũng nói rằng: "Trong đầu tư cổ phiếu, mình chỉ biết được mình có lợi bao nhiêu khi mình thực sự rời khỏi cuộc chơi. Còn khi vẫn ở đó, khủng hoảng ập tới, mọi thứ sẽ sụt giảm rất nhanh. Đối với tôi, triệu phú từ đầu tư chứng khoán không phải là thứ bền vững".
Ba khoản đầu tư thành công nhất của Nguyễn Ảnh Cường dưới tư cách cá nhân là vào lĩnh vực cao su – săm lốp (Casumina và Cao su Đà Nẵng) năm 2012, CTCP Đầu tư Thế giới Di động sau khi doanh nghiệp này niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2014, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng khi còn giao dịch trên OTC năm 2017. Đây đều là các khoản đầu tư giúp tài sản của Nguyễn Ảnh Cường tăng bằng lần, một mặt từ những con sóng lớn trên thị trường cổ phiếu, mặt khác cũng nhờ khả năng phân tích xuất sắc mà Cường được tôi luyện trong quá trình làm việc tại các quỹ đầu tư hàng đầu.
Ở chiều ngược lại, Nguyễn Ảnh Cường cũng tự hào khi bản thân may mắn thoát được những thời điểm rủi ro ập đến.
Cường kể về thời gian đầu tư vào cổ phiếu của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), một doanh nghiệp mà anh mến mộ bởi bầu Đức, CLB bóng đá và định hướng vào lĩnh vực nông nghiệp tiềm năng.
Thời điểm đó, tất cả những thông tin về Hoàng Anh Gia Lai được Cường theo dõi thông qua Google Alerts.
"Sáng hôm đó, điện thoại của tôi xuất hiện rất nhiều thông tin liên quan đến báo cáo từ châu Âu về việc HAGL đốn rừng làm cao su. Đến giờ giao dịch, khi giá cổ phiếu vẫn không thay đổi, tôi quyết định bán ra hết khoản đầu tư của mình. HAGL sau đó bước vào giai đoạn sụt giảm mạnh và tôi đã thoát được cú rủi ro đó cũng nhờ việc ứng dụng một chút công nghệ".
Trong sự nghiệp làm quỹ, Nguyễn Ảnh Cường cũng hào hứng kể về chiến tích 3 lần khuyến nghị bán cổ phiếu PV Drilling cho Vietnam Holding.
"Tôi nhớ không lầm là khoảng năm 2014 – 2015, khi đó giá dầu xấp xỉ 100 USD, giảm mạnh xuống 30 USD do liên quan đến vụ đầu đá phiến của Mỹ. Trong danh mục của Vietnam Holding, PVD là mã chiếm tỷ trọng lớn nhất, và tôi phụ trách mảng dầu khí. Tôi cảm thấy tự hào khi khuyến nghị bán mã này rất nhanh và bán liên tục. Chính xác là khuyến nghị bán 3 lần. Thông thường các quỹ đầu tư sẽ rất ngại trong việc ra quyết định bán hoặc mua quá nhanh, họ sẽ cần một khoảng thời gian.
Thời điểm đó tôi cho rằng rủi ro với ngành dầu khí đang lớn hơn tiềm năng có thể đem lại. Dầu đá phiến sẽ thay đổi toàn bộ ngành khai thác dầu. Kết quả là khuyến nghị của tôi đã giúp cho quỹ tiết kiệm được khá nhiều tiền, mặc dù đó cũng là quyết định khó khăn vì niềm tin vào PVD quá lớn".
Nhưng nếu nói chặng đường đầu tư của Nguyễn Ảnh Cường trải đầy hoa hồng thì cũng không phải. Thất bại đầu tiên mà anh gặp phải là khi nhận tiền đầu tư giúp người khác.
"Tôi đã không tưởng tượng được trách nhiệm của mình khi đầu tư giùm người thân. Mặc dù giá cổ phiếu chỉ giảm 10%, nhưng áp lực đến với tôi rất nhiều. Những người giao tiền cho tôi, về cơ bản họ không hiểu về lĩnh vực, không hiểu về doanh nghiệp, cho nên họ luôn lo lắng. Họ cũng có tâm lý ngắn hạn, một khi cổ phiếu giảm là họ căng thẳng. Tôi đã gặp phải áp lực giải trình hàng ngày và buộc phải bán cổ phiếu. Sau đợt bán đó, cổ phiếu tăng giá 100%".
Chia tay nghiệp đầu tư, Nguyễn Ảnh Cường khởi nghiệp với Lendiz, một công ty hỗ trợ tài chính cho người mua xe máy trả góp. Lendiz tăng trưởng nhanh, trong vòng chưa đầy 12 tháng đã hỗ trợ khách hàng mua hơn 1.200 chiếc xe máy với giá trị rất lớn.
Tuy nhiên, chính sách cho vay quá "thoáng" của Lendiz, thậm chí còn không giữ cả giấy tờ xe của khách hàng giống như các đơn vị khác trên thị trường là nguyên nhân chính khiến cho startup này thất bại.
"Tôi đã quá tự tin về khả năng của mình", Cường nói.
"Trước đây tôi học cũng khá giỏi, rồi đi làm đầu tư cũng thành công liên tục và chưa gặp thất bại nào lớn. Do đó tôi tự tin vào quyết định của mình. Khi khởi nghiệp với Lendiz, tôi đã nghĩ giải pháp của mình đưa ra là chắc chắn thắng. Nhưng thực tế tôi đã chưa nhìn vào số liệu, đặc biệt là tỷ lệ nợ xấu, mà đã mở rộng quá nhanh".
Thời điểm Nguyễn Ảnh Cường và Lendiz nhận phản hồi từ thị trường, mọi thứ đã trở nên quá muộn màng.
"Lúc đó tôi mới thấy tỷ lệ nợ xấu không có khả năng thu hồi rất cao. Đó thực sự là thất bại lớn với cá nhân tôi".
Cú ngã với Lendiz đưa Nguyễn Ảnh Cường trở về mặt đất, gần như toàn bộ số tiền chiến thắng từ đầu tư những năm trước đó phải trả lại hết. Nhưng thất bại này cũng để lại cho nhà sáng lập Lendiz những bài học quý giá: "Tôi phải thừa nhận là sản phẩm trước kia của Lendiz không ổn. Mua xe máy có thời gian trả góp từ 18 – 24 tháng nên tốc độ nhận phản hồi từ thị trường sẽ từ 6 – 12 tháng, rất muộn. Đối với một startup, mình phải học nhanh và thay đổi nhanh".
Một sai lầm khác mà Nguyễn Ảnh Cường nói đến chính là yếu tố cảm xúc, thứ đáng ra các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải nằm lòng.
"Trước kia khi đầu tư tôi rất hạn chế mua những mã cổ phiếu đang tăng nóng mà thường mua cổ phiếu đang đi ngang, điều đó tránh cho tôi bị ảnh hưởng tâm lý khi ra quyết định. Nhưng khi khởi nghiệp, tôi đã có suy nghĩ rằng làm startup thì phải mở rộng nhanh, và tôi bị cảm xúc chi phối khá nhiều".
Dù thất bại, Nguyễn Ảnh Cường vẫn đam mê với lĩnh vực tài chính tiêu dùng và không có ý định chuyển hướng. Anh nói rằng, nếu làm thứ khác thì cũng giống như phải học lại toàn bộ từ đầu, trong khi khả năng thành công sẽ phụ thuộc vào tầm hiểu biết trong lĩnh vực đó.
Anh tiếp tục tìm kiếm những giải pháp để giải quyết vấn đề trước nay mình gặp phải và được một người bạn giới thiệu cho mô hình AfterPay, một công ty Buy Now Pay Later – Mua Trước Trả Sau miễn lãi miễn phí của Úc.
"Ban đầu tôi cũng nghĩ rằng mô hình này sẽ không hiệu quả. Tuy nhiên AfterPay là công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán, do đó có rất nhiều tài liệu và thông tin về chỉ số kinh doanh của họ để tôi có thể tham khảo. Và tôi đã không mất nhiều thời gian để cảm thấy ‘WOW’. Có lẽ trong 5 – 7 năm tới, Việt Nam sẽ chuyển đổi hoàn toàn từ phương thức thanh toán thông thường sang chia nhỏ các khoản thanh toán và miễn lãi, miễn phí".
Như tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm, Nguyễn Ảnh Cường lập tức chuyển đổi mô hình kinh doanh sang BNPL, Fundiin trở thành một trong những đơn vị đi tiên phong tại Việt Nam.
BNPL thực tế đã trở thành cơn sốt trên toàn cầu trong những năm trở lại đây, đặc biệt tại các quốc gia phát triển.
Về bản chất, BNPL chia nhỏ các khoản thanh toán của khách hàng không tính phí. Công ty cung cấp dịch vụ sẽ nhận về chiết khấu từ bên bán cho mỗi sản phẩm được giao dịch, chính vì vậy, biên lợi nhuận của mô hình kinh doanh này không cao.
"Kinh doanh BNPL miễn phí thực sự khó khăn. Cái khó nhất là làm sao mình có thể cung cấp một giải pháp thực sự dễ sử dụng cho người tiêu dùng. Nhưng cùng với đó, nợ xấu cũng phải đủ thấp để đạt được hiệu quả về kinh tế".
Giới đầu tư cũng không nhiều người tin vào khả năng thành công của Fundiin tại Việt Nam bởi rủi ro nợ xấu quá cao. Mặc khác, Việt Nam cũng không có hệ thống thông tin tín dụng phát triển như các quốc gia khác. Mặc dù vậy, Nguyễn Ảnh Cường vẫn tin tưởng vào con đường mà anh và công ty của mình đang theo đuổi. Không thuyết phục được nhà đầu tư bằng lời nói, anh triển khai và chứng minh bằng con số. Cường cho biết Fundiin đã có được lợi nhuận từ giải pháp này.
Nhưng chặng đường phía trước của BNPL nói chung và Fundiin nói riêng còn rất dài. Để BNPL thực sự trở nên phổ biến, Nguyễn Ảnh Cường cho rằng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào quá trình thay đổi hành vi và nhận thức của người tiêu dùng.
"Phải làm sao để khách hàng có thể sử dụng giải pháp thanh toán này lần đầu tiên, khi họ thấy dễ sử dụng rồi thì họ sẽ sử dụng lần thứ hai".
Đến đây, bài toán đặt ra là liệu BNPL có giống như mô hình của các ứng dụng gọi xe như Grab và Uber, sẽ cần thời gian đầu đốt tiền rất mạnh để có thể chuyển đổi thói quen người dùng và giành thị phần?
"Điều đó còn tuỳ thuộc vào việc mình có bao nhiêu tiền", CEO Fundiin nói.
Nguyễn Ảnh Cường cho biết bất lợi của một startup tại Việt Nam là khả năng huy động vốn kém hơn rất nhiều so với các công ty tại Singapore, Malaysia hay Indonesia. Do đó, Fundiin không thể sử dụng chiến lược đốt tiền mà phải đi theo phương thức bền vững hơn. Có nghĩa Fundiin phải có được tầm nhìn tốt hơn để đi trước thay vì chậm chân và tốn thêm nhiều chi phí marketing.
Nói về cạnh tranh, thực tế không ít công ty BNPL thành công tại các thị trường nước ngoài đã bắt đầu gia nhập thị trường Việt Nam kể từ năm ngoái. Họ là những đơn vị mạnh về tài chính và đã minh chứng được khả năng thành công tại thị trường mẹ.
Nguyễn Ảnh Cường nói rằng, cũng có một số công ty có mặt tại Việt Nam từ khá sớm, nhưng họ chưa tìm ra được sản phẩm phù hợp với thị trường (product market fit). Thị trường Việt Nam có rủi ro nợ xấu rất cao, vì thế họ siết chặt về trải nghiệm người tiêu dùng, tức là có các điều kiện không dễ dàng để khách hàng có thể được mua trả sau.
Thậm chí ở các quốc gia đang phát triển khác như Indonesia, mua trả sau miễn phí cũng chưa thực sự phát triển. Thông thường với rủi ro cao, cách làm phổ biến nhất là nâng lãi suất.
CEO Fundiin tỏ ra tự tin rằng công ty của mình đang có một sản phẩm phù hợp với thị trường, có thể cung cấp giải pháp BNPL miễn phí, miễn lãi một cách bền vững ở một quốc gia như Việt Nam.
"Ở các quốc gia phát triển, người tiêu dùng bắt buộc phải có thẻ Visa hay Master để có thể BNPL, sau đó hệ thống sẽ tự động trừ phí từ thẻ. Còn ở Việt Nam, tỷ lệ người dùng có thẻ rất thấp, do đó áp dụng mô hình nước ngoài về cơ bản sẽ không hiệu quả. Mặt khác, việc yêu cầu khách hàng tải ứng dụng về cũng không khả thi. Ở Fundiin, khách hàng không cần thực hiện các thao tác đó".
Nhưng làm sao để vừa có trải nghiệm tiêu dùng tốt như vậy mà vẫn kiểm soát được rủi ro, đó là điểm cốt yếu trong lĩnh vực này. Bài học rủi ro cũng là bải học mà Nguyễn Ảnh Cường ghi nhớ sâu sắc với thất bại ở Lendiz.
Fundiin giải quyết bài toán này bằng ba con đường. Thứ nhất, sử dụng các khoản vay kỳ hạn ngắn, trong vòng hai tháng. Thứ hai giá trị trung bình các giao dịch ở mức vừa phải. Thứ ba, cũng là yếu tố quan trọng nhất, Fundiin ứng dụng công nghệ vào xét duyệt đối tượng cung cấp dịch vụ.
Ở lần khởi nghiệp thứ hai này, vòng lặp về sản phẩm diễn ra nhanh hơn giúp Fundiin học hỏi rất nhanh và điều chỉnh mô hình nhanh chóng. Yếu tố "sân nhà" cũng được Nguyễn Ảnh Cường xem là lợi thế lớn trong cuộc cạnh tranh với các công ty BNPL nước ngoài hoạt động tại thị trường Việt Nam khi hiểu được thói quen tiêu dùng và thanh toán của khách hàng.
Khi Nguyễn Ảnh Cường thuyết trình dự án Fundiin với các nhà đầu tư, một câu hỏi quan trọng được đặt ra: "Tại sao cung cấp giải pháp BNPL vào thời điểm này mà không phải là 5 năm trước?".
CEO Fundiin nhớ lại thời điểm làm dự án Lendiz – mua xe máy trả góp, lúc bấy giờ việc thu thập thông tin dữ liệu thông qua API chưa thể tiến hành ngay lập tức. Để tìm hiểu về một khách hàng tốn nhiều thời gian, thậm chí còn không có nhiều thông tin.
Đến giai đoạn 2019 – 2020, các sản phẩm công nghệ bắt đầu phát triển mạnh, dữ liệu người dùng cũng nhiều hơn. Một trong số đó là giải pháp OCA, chụp hình chứng minh thư hay căn cước công dân sẽ trích xuất ngay ra dữ liệu cá nhân. Giải pháp này giúp khách hàng không mất công nhập liệu khiến trải nghiệm tiêu dùng trở nên tốt hơn.
"Khi bắt đầu dự án năm 2019, bọn mình chỉ có thể xử lý được 40% khách hàng, không có dữ liệu gì về 60% còn lại. Khi làm việc với đối tác và từ chối 60% khách hàng của họ thì chắc chắn họ không hài lòng. Tuy nhiên từ sau năm 2020, nguồn dữ liệu về khách hàng đã tăng lên khá nhiều khiến cho tỷ lệ chấp nhận khách hàng của chúng tôi cao hơn".
Tuy vậy, Nguyễn Ảnh Cường cho rằng nền tảng hiện tại của Việt Nam chỉ có thể giúp cung cấp những tính năng vừa đủ và trải nghiệm khách hàng vừa đủ. Fundiin vẫn đang phải từ chối khá nhiều khách hàng. Tuy nhiên nếu nhìn về 5 – 7 năm tới, Cường cho rằng những vấn đề hiện tại có thể sẽ được giải quyết phần lớn khiến BNPL trở thành giải pháp thay thế hoàn toàn trong lĩnh vực thanh toán. Hành trình của Fundiin mới chỉ bắt đầu.