Venezuela chìm sâu trong khủng hoảng một thời gian dài, nền kinh tế quốc gia này đã sụp đổ và cuộc nổi dậy của phe đối lập chính trị với Tổng thống Nicolás Maduro đã khiến vị trí của ông bị lung lay. Hơn 6 triệu người tị nạn, người xin tị nạn và người di cư từ Venezuela đã rời khỏi quốc gia này để tìm kiếm một cuộc sống khác.
Nguyên nhân của cuộc di cư lớn nhất tại châu Mỹ Latinh trong những năm gần đây là do siêu lạm phát, bạo lực và tình trạng thiếu lương thực, thuốc men xuất phát từ những bất ổn chính trị. Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), cứ 3 người thì có 1 người Venezuela không được đảm bảo an ninh lương thực và cần nguồn cung cấp lương thực khẩn cấp. Những căn bệnh từ biến mất như tả và sốt rét đã quay trở lại, ngày càng nhiều trẻ em nước này chết vì không có đồ ăn và suy dinh dưỡng.
Đại dịch Covid-19 càng làm mọi thứ trở nên trầm trọng hơn. Biên giới với các nước làng giềng đóng cửa, trường học ngừng hoạt động và các bệnh viện chật vật với tình trạng thiếu nhân sự và cơ sở vật chất. Những người di cư Venezuela trở về nước sau khi mất việc làm ở nước ngoài do dịch bệnh cũng không thể kiếm tiền ở quê nhà. Tình trạng thiếu nhiên liệu, điện và nước sạch đã gây ra bạo loạn và khiến nhiều người di cư không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bỏ đi xa xứ một lần nữa.
Ở Mỹ Latinh và Caribe, hàng trăm nghìn người Venezuela đã được cấp phép cư trú cho phép họ ở lại các quốc gia khác. Ước tính, 1,8 triệu người tị nạn đã định cư ở Colombia - quốc gia có số lượng người di cư qua biên giới lớn thứ 2. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có lượng người tị nạn cao nhất, với 3,7 triệu người phần lớn đến từ Syria.
Nguyên nhân khiến Venezuela rơi vào khủng hoảng là nhiều năm chứng kiến siêu lạm phát, thiếu lương thực và thuốc men. Quốc gia này từng được coi là giàu nhất châu Mỹ Latinh nhờ trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới. Nhưng hơn 1 thập kỷ trải qua tình trạng doanh thu từ lĩnh vực này sụt giảm và hoạt động quản lý yếu kém khiến nền kinh tế sụp đổ. Chính phủ do đó cũng không thể cung cấp đầy đủ các dịch vụ xã hội.
Vậy điều gì đã đẩy Venezuela từ lạm phát đến tình trạng siêu lạm phát?
Năm 2014, giá trị của đồng Bolivar và sự thịnh vượng của nền kinh tế Venezuela phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ. Hơn 90% thu nhập xuất khẩu của quốc gia này đến từ dầu mỏ. Các khoản thu đó đã giúp chính phủ khi đó do ông Hugo Chavez lãnh đạo chi trả cho các chương trình xã hội chống lại đói nghèo và bất bình đẳng từ năm 1999 đến 2013. Từ các khoản trợ cấp cho người thu nhập thấp đến dịch vụ y tế, chính phủ đều chi rất nhiều tiền.
Sau đó, giá dầu toàn cầu lao dốc, nhu cầu của nước ngoài đối với đồng Bolivar để mua dầu từ Venezuela cũng giảm. Khi giá trị đồng nội tệ đi xuống, thì giá đồ nhập khẩu lại tăng lên. Nền kinh tế Venezuela từ đó lâm vào khủng hoảng. Giải pháp của Tổng thống Nicolas Maduro, người kế nhiệm Chavez tháng 3/2013, là in thêm tiền.
Điều này dường như khá ngớ ngẩn nhưng lại có thể giúp nền kinh tế tiếp tục vận hành và vượt qua cú sốc lạm phát ngắn hạn. Song, việc in tiền trong điều kiện như vậy chỉ làm cho mọi thứ càng tồi tệ khi giá dầu sụt giảm, cộng với việc sản lượng dầu của Venezuela cũng thấp. Nhà đầu tư quốc tế ồ ạt tìm kiếm địa điểm khác, khiến giá trị đồng Bolivar tiếp tục xuống dốc. Chính phủ Venezuela càng in tiền, lạm phát càng cao.
Do đồng nội tệ mất giá, người dân Venezuela bắt đầu chuyển sang tiết kiệm bằng USD khiến đồng Bolivar càng sụt giảm. Nhu cầu đối với đồng bạc xanh càng lớn, đồng nghĩa với việc giá trên thị trường chợ đen cũng bị "nhũng nhiễu". Thậm chí, tháng 8/2018, đồng nội tệ của Venezuela có giá trị thấp đến mức người dân còn dùng tiền thay cho giấy vệ sinh.
Nhưng thời gian gần đây, quốc gia này cho biết đã kiểm soát được lạm phát và hạn chế in thêm tiền, sử dụng đồng USD một cách không chính thức.
Tổng hợp