Shelly Caban chỉ muốn mọi thứ kết thúc.
“Đôi khi tôi nghĩ: Hãy thiêu rụi tất cả đi, ngôi nhà và tất cả mọi thứ” - người phụ nữ nói. “Khi ở trong trạng thái chờ đợi vô vọng và khắp nơi như địa ngục, bạn sẽ cảm thấy bất kỳ thứ gì khác cũng tốt hơn bây giờ”.
Khi phóng viên Guardian gặp Caban (33 tuổi), cô đang trú bên trong chiếc xe buýt chưa đăng kiểm của gia đình mình. Hiện giờ, nó được biến thành một ngôi nhà di động, dã chiến chạy dọc theo những lằn ranh lửa của thị trấn Eden. Trên xe buýt cùng với Caban là chồng cô, 3 đứa con gái, 3 chú chó và khoảng một tá vịt con.
Mang ý nghĩa “Vườn địa đàng”, Eden là một thị trấn ven biển xinh đẹp và trù phú của bang New South Wales - tiểu bang đông dân nhất Úc và cũng nằm trong “chảo lửa” của đại thảm họa cháy rừng.
Từ vị trí trú ẩn hiện giờ, gia đình Caban đã không còn nhìn thấy dấu vết nhà mình và chẳng biết đến khi nào mới có thể quay về. Được biết, đó là một ngôi nhà cổ kính bằng gỗ có tuổi đời 150 năm, nổi bật giữa phong cảnh tuyệt đẹp của thung lũng Nethercote thuộc phía nam thị trấn Eden. Nhưng từ thời khắc Năm mới, khi cả gia đình thức dậy trong màn khói đặc quánh, họ chỉ còn cách gói ghém đồ đạc lên xe buýt và rời đi.
Không gian nhỏ hẹp trên xe bus đã trở thành nhà của gia đình cô Caban nhiều ngày nay.
“Tôi chỉ biết rằng chúng tôi cần phải ra khỏi nhà ngay lập tức” - Caban kể lại. Giờ đây, gia đình cô chính thức nhập vào hàng ngàn người Úc đang phải di tản khẩn cấp vì cháy rừng. Có thể nói một cuộc khủng hoảng thật sự đang xảy ra tại các bờ biển phía đông đất nước kể từ tháng 11. Những đợt cháy rừng ngoài tầm kiểm soát khiến hàng loạt thị trấn lụi tàn, nhà cửa bị lửa nuốt chửng. Đó cũng là áp lực trực tiếp khiến người dân đòi hỏi chính phủ Úc phải có động thái quyết liệt hơn để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.
Sau khi hàng loạt cộng đồng dân cư dọc bờ biển miền Nam bị “giặc lửa” bao phủ vào Năm mới 2020, giới chức đã cảnh báo nhiệt độ sẽ tăng đột biến. Thực tế cho thấy, gió đã thổi mạnh từ hôm thứ Bảy 4/1 đã khiến tình hình càng thêm tồi tệ, chạm tới giới hạn chịu đựng của con người cũng như các loài động vật.
60 ngôi nhà được xác nhận đã bị lửa thiêu trụi khắp bang New South Wales vào thứ Bảy, tuy nhiên con số thực tế còn cao hơn do lực lượng cứu hỏa đã vô phương tiếp cận các đám cháy lớn. Ước tính số nhà cửa bị phá hủy của tiểu bang này trong suốt 1 tháng là lên tới 1.400 căn.
Thị trấn Eden xanh ngắt trước khi xảy ra cháy rừng.
Nhưng hiện giờ khi cháy rừng ở khắp nơi, những ngả đường rời khỏi thị trấn Eden nói riêng hay cả bang New South Wales đã không còn an toàn nữa.
Và không chỉ các cư dân Eden mới lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất” như hiện nay. Anh Sargent đã lái xe chở bạn gái đi suốt 2.500 km, hẹn gặp bố Alan ở thị trấn mang tên “địa đàng”. Bản thân ông cụ cũng phải trải qua quãng đường hơn 4.000 cây số để cùng nhau thưởng ngoạn phong cảnh tuyệt đẹp ở vùng biển miền nam Úc. Nhưng hiện giờ, họ vẫn chưa thể đoàn tụ khi mỗi bên vẫn mắc kẹt giữa hàng loạt đám cháy.
“Đây không phải là kì nghỉ lễ mà chúng tôi mong đợi” - anh Sargent chia sẻ. “Chúng tôi không tìm được bất kì dịch vụ gọi điện nào hoạt động và xe thì đã hết xăng. Chúng tôi chỉ chờ đợi mãi ở đây [trại tị nạn]. Chúng tôi cảm thấy lạc lõng và chỉ muốn ra khỏi bang New South Wales càng sớm càng tốt”.
Tuy nhiên, bất chấp tình trạng cháy rừng dữ dội đe dọa đến tính mạng, bất chấp giới chức đã liên tục khuyến cáo người dân rời khỏi Eden ngay lập tức, nhiều người vẫn quyết định nán lại vì họ nghĩ mình an toàn hơn khi ở gần biển.
Nhiều người dân chọn phương án rời khỏi Eden từ cầu cảng, thay vì theo đường bộ lên hướng bắc đã bị lửa bao vây.
Nhưng đến cuối cùng, khi bị lửa dồn đến chân tường, người dân thị trấn vẫn phải rời đi bằng cách này hay cách khác. Ngư dân Matt Proctor đã đưa bạn đời và hai con của mình lên một chiếc xuồng, đến bến cảng gần Eden để trú ẩn khi ngọn lửa ập tới.
Tối 4/1 hôm đó, bầu trời tối sầm lại rồi trở nên mù mịt khói. Cả gia đình sợ hãi nhưng chỉ còn biết cách chờ đợi mòn mỏi ở bến cảng, để rồi những cơn gió lớn từ biển ồ ạt thổi vào, khiến khói bụi trên đầu chợt trút xuống đồng loạt thành “cơn mưa” tàn tro kinh hoàng!
“Đây chính là tận thế” - Proctor nói với phóng viên. “Giống như sự kết thúc của mọi thứ trên đời”. Dù vậy, may mắn là cả gia đình anh đã bình an bước lên 2 thuyền lớn của thị trấn cùng với nhiều người dân khác di tản bằng đường thủy.
Bến cảng ở Eden giống như một khung hình cắt ra từ phim tận thế. Nơi đây nhiều người dân lên thuyền trốn chạy khỏi quê nhà bị lửa đe dọa.
“Mọi thứ thật căng thẳng và kì quái! Bạn biết đó, Eden từng là nơi an toàn nhất nhưng giờ đây chúng tôi còn không dám ngủ gì nhiều. Tình trạng hỗn loạn không chỉ diễn ra hôm nay mà kéo dài từ ngày này sang ngày khác. Đây là dịp Năm mới kinh khủng nhất chúng tôi từng biết. Eden là vùng đất xinh đẹp nhưng chúng tôi đã mất mát quá nhiều”- người đàn ông trầm ngâm nói.
Hiện giờ thảm họa cháy rừng Úc vẫn chưa hề có dấu hiệu dừng lại. Sự thật là nước Úc chỉ trải qua tháng hè đầu tiên trong năm (do nằm ở Nam bán cầu), trong khi nhiệt độ cao nhất thường rơi vào tháng 1 và tháng 2. Nói cách khác, nhiều khả năng vụ cháy sẽ tiếp tục lan rộng trong năm 2020 ít nhất là 1-2 tháng nữa nếu không có điều gì đột biến xảy ra.
(Theo The Guardian)