Sumitmo được sáng lập bởi Masatomo Sumitomo từ thời Edo, năm 1615. Ban đầu Sumitomo nổi tiếng với ngành luyện kim và buôn sợi, vải, đường, thuốc,… Khai thác và luyện đồng chính là xương sống của đế chế Sumitomo thời đó.
Trải qua 200 năm, Sumitomo trở nên vô cùng lớn mạnh. Chính sách duy tân thời Minh Trị như một bệ phóng, giúp họ phát triển thần tốc trong khoa học kỹ thuật, mở rộng ra ngành công nghiệp chế tạo và khai thác, và bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực ngân hàng, kho bãi,… Hoạt động đổi ngoại tệ (Ryogae-gyo) đã biến họ trở thành tập đoàn tập trung vào hai hoạt động chính: công nghiệp khai thác sản xuất và hỗ trợ tài chính.
Tuy nhiên, chiến tranh kết thúc, Sumitomo và các zaibatsu khác bị Bộ tổng tư lệnh tối cao quân Đồng minh (GHQ) và chính phủ Nhật Bản giải thể. Đây là bước ngoặt buộc tập đoàn phải cải tổ thành một keiretsu – một tập đoàn các công ty con hoạt động dựa vào Ngân hàng Sumitomo (sau này là Tập đoàn ngân hàng Sumitomo Mitsui - SMBC) và ràng buộc với nhau dưới hình thức sở hữu chéo.
Zaibatsu là một thuật ngữ của Nhật Bản, chỉ các tập đoàn kinh doanh tài chính và công nghiệp ở Đế quốc Nhật Bản , có ảnh hưởng và quy mô lớn, cho phép họ kiểm soát những phần quan trọng của nền kinh tế Nhật Bản từ thời Minh Trị cho đến khi kết thúc Thế chiến II.
Năm 2001, SMBC ra đời dưới sự bắt tay của hai ông lớn Sumitomo và Mitsui. Một năm sau, SMBC thành lập một công ty cổ phần có tên Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG) thông qua chuyển nhượng cổ phần, SMBC trở thành công ty con thuộc sở hữu của SMFG.
Trong suốt gần hai thập kỷ, bằng rất nhiều nỗ lực cải cách và đổi mới công nghệ, họ đã vượt qua rất nhiều đối thủ đi trước khác, trở thành tập đoàn dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia lớn thứ hai Nhật Bản.
Năm 2012, tập đoàn đã thành lập nhóm nghiên cứu cải cách đầu tiên (nay gọi là Phòng Đổi mới Công nghệ thông tin). Nhóm này có vai trò nghiên cứu phát triển các dịch vụ mới và tăng cường khả năng thương mại của chúng, kết hợp các công nghệ khác nhau trong bốn lĩnh vực trọng tâm: nâng cao trải nghiệm của khách hàng; phát triển các hoạt động kinh doanh mới; nâng cao năng suất và nâng cấp cơ sở hạ tầng quản lý.
Để nâng cao trải nghiệm của khách hàng và nền tảng B2B, tập đoàn đã tham gia vào một số tổ chức hợp tác ngành, phối hợp với các tổ chức tài chính ngân hàng khác.
SMBC và IBM Nhật Bản đã khởi xướng một PoC thử nghiệm khả năng ứng dụng công nghệ blockchain vào các hoạt động thương mại xuyên biên giới. Các ứng dụng tiềm năng bao gồm số hóa các tài liệu thương mại, bảo mật thông tin giao dịch thương mại xuyên biên giới, chia sẻ thông tin theo thời gian thực giữa các nhà xuất nhập khẩu, giao nhận, công ty vận tải và kho bãi. Tài chính thương mại là một phần quan trọng trong danh mục đầu tư kinh doanh của SMBC, cùng với tài chính dự án, hiện bao gồm khoảng 20% các khoản vay ở nước ngoài.
SMFG cũng hợp tác với công ty đầu tư mạo hiểm Doanh nhân Hoa Kỳ Roundtable Accelerator để thành lập một quỹ ủng hộ khởi nghiệp fintech. Đồng thời họ cũng trực tiếp hợp tác với cả các công ty khởi nghiệp fintech và các startup công nghệ.
SMFG xác định: xác thực sinh trắc học và trí tuệ nhân tạo (AI) là hai lĩnh vực R&D có tiềm năng nhất trong việc cải thiện năng suất của nhân viên trên quy mô lớn. Họ hợp tác với NEC Corp trong việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để cung cấp các dịch vụ thanh toán an toàn, không tiền mặt và không thẻ tại các chi nhánh trong tương lai. Dịch vụ này đã được thử nghiệm tại các quán ăn tự phục vụ tại trụ sở SMBC và giành giải thưởng METI tại triển lãm thương mại điện tử và CNTT lớn nhất Nhật Bản CEATEC 2017.
Vào năm 2014, SMBC đã trở thành ngân hàng Nhật Bản đầu tiên ứng dụng AI bằng cách sử dụng xử lý ngôn ngữ tự nhiên và học máy (machine learning) vào các hệ thống hỗ trợ nội bộ. Năm 2016, công nghệ này được mở rộng để hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp.
Song song với đó, tập đoàn bắt tay với NTT Communications Corp và Japan Accdvisor ra mắt một chatbot AI cho các khách hàng giao dịch chứng khoán. SMFG cũng đang hợp tác với Google để ứng dụng AI vào phát hiện gian lận thẻ tín dụng tại SMCC. SMBC và SMFG đã hợp tác với SAS Institute Japan - một công ty phân tích dữ liệu phát triển phần mềm chống rửa tiền thông minh.
Ngoài Nhật Bản, tập đoàn cũng bắt tay các tổ chức tài chính liên kết ở khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Campuchia và Việt Nam để mở rộng kinh doanh bán lẻ và cung cấp các giải pháp ngân hàng số dựa trên công nghệ hiện có của SMBC.
Rõ ràng, việc liên kết với các tập đoàn khác là một chiến lược đúng đắn của SMFC trong hệ sinh thái fintech này. Họ có thể tập hợp các ý tưởng từ các công ty fintech và các bên liên quan từ khắp nơi trên thế giới, cùng nhau tạo ra giá trị mới thông qua đổi mới, số hóa và kết nối. Họ không giữ lại những thành quả số hóa cho riêng mình. Triết lý kinh doanh của Sumitomo là: "Lợi ích cho bản thân và người khác, lợi ích cá nhân và cộng đồng là một và quan trọng như nhau".
Việt Nam có 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng toàn diện trên mọi lĩnh vực nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và còn nhiều khó khăn, hạn chế. Động lực tăng trưởng dựa vào tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ, tăng vốn đầu tư, … không còn nhiều dư địa trong nền kinh tế số. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn hiện hữu. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu năm 2030 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao, Việt Nam có nền kinh tế hiện đại, năng động, phát triển nhanh, bền vững, độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế cần có động lực tăng trưởng mới có tính đột phá.
Để góp phần phát triển các giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức "Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019", sẽ diễn ra vào Thứ 5, ngày 9/5/2019, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, với chủ đề: "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và chủ trì hội nghị. Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ điều hành thảo luận tại diễn đàn
Sự kiện này sẽ có sự góp mặt của nhiều chính khách, doanh nhân nổi tiếng, đầu tư lớn, có nhiều kinh nghiệm trong ngành công nghệ: ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội; ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn CMC; bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Công ty VinFast; ông Hùng Trần – Giám đốc Công ty Got It, ông Nguyễn Thế Tân, TGĐ VCCORP; ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch – TGĐ Công ty VNG; ông Lữ Thành Long – Chủ tịch Công ty Misa; GS. Kim Hyun Chul, nguyên cố vấn kinh tế của Tổng thống Hàn Quốc; ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright…