Tính đến nay, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 2,13% so với cuối năm 2019, đây là mức thấp nhất nhiều năm qua.
Thừa vốn, khó cho vay
Lãi suất liên ngân hàng tuần qua tiếp tục giảm ở các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần, lần lượt là - 0,07%; - 0,13% và - 0,20%, đưa lãi suất các kỳ hạn tiếp tục xuống mức thấp, lần lượt là 0,18%/năm, 0,26%/năm và 0,39%/năm. So với thời điểm cuối tháng 3, lãi suất mà các nhà băng vay mượn nhau qua đêm đã giảm gần 400 điểm.
Điều đó cho thấy thanh khoản của hệ thống đang rất dồi dào, một phần nhờ gần 150 nghìn tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong thời gian gần đây; phần khác do tín dụng tăng thấp hơn nhiều so huy động vốn.
Sở dĩ ngân hàng thừa vốn mà tín dụng vẫn tăng trưởng ì ạch là do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh, nên không đáp ứng được điều kiện tín dụng. Do đó, các nhà băng không dám mạnh tay cho vay vì sợ rủi ro nợ xấu .
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) cho biết, trong lúc này các ngân hàng "không biết cấp vốn cho ai", vì đều là nguy hiểm cả và vốn thường đưa vào nhà giàu chứ không phải nhà nghèo.
Tuy nhiên một chuyên gia ngân hàng cho rằng, cũng cần phải thông cảm với các ngân hàng bởi ngân hàng chỉ là trung gian tài chính đi vay để cho vay nên yêu cầu hàng đầu đặt ra đối với các ngân hàng là phải bảo toàn được đồng vốn. "Nguồn vốn mà các ngân hàng cho vay được hình thành chủ yếu từ nguồn tiền gửi của người dân và các tổ chức kinh tế. Vì thế, các ngân hàng khó có thể hạ chuẩn tín dụng. Nếu hạ chuẩn tín dụng có thể dẫn tới nguy cơ nợ xấu, thậm chí là rủi ro mất vốn", vị chuyên gia trên cho biết.
Tín dụng sẽ tăng trưởng thấp
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN Việt Nam, cho biết đến nay, tín dụng xuất khẩu tăng 4,94% (6 tháng đầu năm ngoái, tín dụng lĩnh vực này tăng trên 10%)... Đáng lưu ý, cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 0,7%, phản ánh tình hình khó khăn của khu vực này trước những tác động của dịch COVID-19.
Hiện dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát khá tốt và Chính phủ cũng đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát để tái khởi động nền kinh tế, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Thế nhưng, các nhà băng cũng không dám mạnh tay cho vay do lo ngại rủi ro. Hệ quả là tín dụng năm nay được dự báo sẽ tăng thấp hơn nhiều so với năm trước.
"Với các giải pháp tích cực của Chính phủ, khả năng nền kinh tế bật lò xo là khá lớn từ nhu cầu nội địa. Do đó, tín dụng sẽ tăng trở lại do nhu cầu về vốn của người dân và doanh nghiệp đang phục hồi trong thời gian tới. Mặc dù vậy, đến hết quý 2 tăng trưởng tín dụng có thể mới chỉ đạt khoảng 3,5 - 4% và hết năm khoảng 9 - 10%", TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV nhận định.