Tổng công ty Thương mại Hà Nội – Công ty cổ phần (Hapro-mã chứng khoán HTM) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018. Đây là những kết quả kinh doanh đầu tiên hé lộ kể từ khi công ty tiến hành IPO hồi quý 1/2018 vừa qua.
Trong 06 tháng đầu năm 2018, Tổng công ty tiếp tục duy trì được nhịp độ phát triển trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường. Kim ngạch xuất khẩu đạt 63,6 triệu USD bằng 143% so với cùng kỳ 2017. Trong đó Công ty mẹ - Tổng công ty đạt 63,1 triệu USD đạt 57% KH năm bằng 152% so với cùng kỳ 2017
Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của mảng xuất khẩu, Hapro đạt Tổng doanh thu 2.676 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ 2017. Trong đó Công ty mẹ - Tổng công ty đạt 2.022 tỷ đồng đạt 57% KH năm 2018 và tăng 52% so với cùng kỳ 2017.
Ngay sau khi cổ phần hoá thành công, Hapro đã tiến hành đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UpCOM và mới gần đây nhất, công ty đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông lần đầu. Tại Đại hội cổ đông lần này, Hapro đã thông qua cơ cấu nhân sự cấp cao với sự hiện diện của nhiều người là đại diện của cổ đông lớn và đại diện của cả những người đã góp phần xây dựng Hapro từ ngày đầu thành lập. Cụ thể: Bà Nguyễn Thị Nga (Chủ tịch Tập đoàn BRG, Phó chủ tịch Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - SeABank), bà Trần Thị Tuyết Nhung (Chủ tịch Vinamotor), bà Nguyễn Thị Thu Hằng Hằng; ông Vũ Thanh Sơn và ông Trần Tuấn Anh đã được bầu làm Thành viên HĐQT.
Theo định hướng kinh doanh đã được Đại hội cổ đông "chốt", Hapro sẽ là một Tổng công ty xuất nhập khẩu và thương mại nội địa có năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, phát huy vai trò là một doanh nghiệp kinh tế, thương mại lớn, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội. Tập trung phát triển thị trường nội địa với hệ thống Siêu thị HaproMart, HaproFood và hệ thống các cửa hàng ăn uống dịch vụ… Công ty cũng sẽ đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng thương mại tại Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước phục vụ phát triển hệ thống bán lẻ; Đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản thực phẩm chủ lực của Việt Nam, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; Tập trung đầu tư các Nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu trọng tâm là một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hapro để xuất khẩu và sản xuất các mặt hàng đưa vào hệ thống bán lẻ tại thị trường nội địa của Tổng công ty.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc liệu cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nói chung và của công ty nói riêng hay không, ông Vũ Thanh Sơn-TH.HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty nhận định, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung không những không ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam mà đây còn là cơ hội lớn cho Việt Nam. Cụ thể, hàng Việt Nam sẽ có thêm cơ hội để vào Mỹ khi Mỹ áp thuế cao với hàng Trung Quốc, đồng thời cơ hội để hàng Việt vào Trung Quốc cũng cao hơn rất nhiều.
Khi được hỏi về việc công ty đã chuẩn bị những gì để có thể đón đầu cơ hội xuất khẩu sang các thị trường Mỹ- Trung, ông Sơn cho biết, công ty đang tổ chức các buổi xúc tiến thương mại hàng nông sản của Việt Nam sang các thị trường này. Đồng thời, công ty đã xây dựng thêm nhà máy chế biến rau, củ, quả. Ngoài ra, công ty đang đẩy mạnh tìm kiếm thêm các vùng nguyên liệu phù hợp.
3 năm sau cổ phần hoá, công ty đặt kế hoạch tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu rất cao. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu dự kiến 115 triệu USD, tăng 31% và sang năm 2019, tăng trưởng đạt mức 20% so với năm 2018. Đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của công ty sẽ cán ngưỡng 185 triệu USD tương đương tăng trưởng 34% so với năm 2019 và như vậy, so với năm 2017 thì kim ngạch xuất khẩu năm 2020 sẽ tăng 110%.
Để đạt được kế hoạch đề ra, ông Vũ Thanh Sơn cho biết, công ty sẽ tập trung đẩy mạnh xuất nhập khẩu bằng cách phát triển mở rộng thêm các thị trường lớn, có tiềm năng. Hapro phấn đấu đến năm 2020, Tổng công ty có thị trường xuất khẩu mở rộng tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên Thế giới. Công ty cũng sẽ xây dựng một số nhà máy chế biến hàng nông sản để chủ động về nguồn hàng hóa, đáp ứng được các đơn hàng lớn như Nhà máy chế biến hạt điều, Nhà máy chế biến hạt tiêu; Mở rộng hoạt động của Nhà máy xay sát gạo tại Đồng Tháp,… Phát triển một mặt hàng xuất khẩu mới như mặt hàng chế biến thành phẩm, đóng gói bao bì mang thương hiệu Hapro để đưa trực tiếp vào một số chuỗi Siêu thị, Trung tâm thương mại, đại Siêu thị tại nước ngoài.
6 tháng cuối năm 2018, Hapro đặt kế hoạch Kim ngạch xuất khẩu đạt 117 triệu USD bằng 115% so với cùng kỳ 2017, Tổng doanh thu dự kiến ở mức 6.400 tỷ đồng bằng 115% so với cùng kỳ 2017.